Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 10.6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc– Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.
Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh, dự hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc– Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Nhiều kết quả tích cực
Ngày 23.5.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 452/TTg-KSTT về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Qua 1 năm triển khai, nhận thức, hành động của các cấp, ngành về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng cơ bản có sự chuyển biến tích cực; các cấp, ngành và địa phương nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và những nội dung cần hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06.
Đến nay đã đơn giản hoá 763/1.084 thủ tục hành chính (TTHC) được giao tại 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (đạt 70%), trong đó, có 7/19 bộ, ngành thực hiện 100% phương án đơn giản hoá. Tính đến hết tháng 4.2024, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% tổng số 6.287 TTHC), trong đó, có 3.688 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở địa phương đạt 47,8% (tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023); ở bộ, ngành đạt 49,4% (tăng 19% so với cùng kỳ). Tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở bộ, ngành đạt 24,11%; ở địa phương đạt 43,11% trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.
Có 15/22 bộ, ngành đã hoàn thành công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 giúp hằng năm tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC, ngày 16.10.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (mức giảm từ 50% đến 80% đối với 8 khoản phí, lệ phí đến hết năm 2025); 62/63 địa phương ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về miễn giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Trong khuôn khổ triển khai Đề án số 06 của Chính phủ, ngày 30.5.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao tổng số 26 nhiệm vụ cho 5 bộ, ngành nhằm đạt 4 mục tiêu tổng thể về hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về TMĐT; kết nối, chia sẻ dữ liệu TMĐT; áp dụng định danh và xác thực điện tử.
Theo Bộ Tài chính, ngành Thuế đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế với mục tiêu tăng cường tuân thủ, tự giác kê khai, nhằm hạn chế xử lý vi phạm. Nhiều cá nhân kinh doanh online đã tự giác đăng ký, kê khai nộp thuế. Cơ quan Thuế địa phương hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm thực hiện 100% các thủ tục thuế bằng điện tử.
Bên cạnh đó, ngành Thuế đã phân loại các đối tượng có hoạt động kinh doanh TMĐT để áp dụng các giải pháp quản lý thuế phù hợp và hiệu quả. Theo số liệu đến năm 2024, có trên 123.000 tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT thuộc diện quản lý của cơ quan Thuế. Trong 5 tháng đầu năm 2024, ngành Thuế chỉ đạo các cơ quan Thuế địa phương đưa vào diện rà soát, đôn đốc, hỗ trợ kê khai nộp thuế đối với 30.770 trường hợp, trong đó có 1.838 doanh nghiệp và gần 29.000 cá nhân.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.
Từ các giải pháp đã triển khai, số thu thuế từ tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 năm qua. Năm 2022, số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng, năm 2023 số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024, số thuế đã nộp trên 50.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, ngoài các hình thức kinh doanh TMĐT truyền thống qua sàn giao dịch TMĐT được thành lập theo quy định của pháp luật, còn phát sinh nhiều hình thức TMĐT mới như: bán hàng livestream, sử dụng công nghệ thực tế ảo không chỉ trên các nền tảng số mà cả từ lĩnh vực viễn thông - thuê bao điện thoại... Do đó, công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT ngày nay càng thêm khó khăn.
Theo Bộ Tài chính, cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực thuế nói riêng và lĩnh vực chuyên ngành khác nói chung cần được củng cố để bao quát hết các hoạt động TMĐT, qua đó nhận diện đầy đủ các hình thái, mô hình và cách thức hoạt động của toàn bộ hệ sinh thái TMĐT.
Từ đó bổ sung những quy định quản lý đặc thù, phù hợp, hiệu quả đối với các mô hình khác nhau và quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh TMĐT. Mặt khác, định danh là việc đầu tiên cần phải thực hiện trong công tác quản lý thuế. Để có đủ cơ sở đưa các đối tượng kinh doanh TMĐT vào diện quản lý thuế thì cơ quan Thuế phải có đầy đủ thông tin xác thực về tên, địa chỉ, căn cước công dân, mã số thuế... theo quy định pháp luật.
Thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, đẩy mạnh chuyển đổi số
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, trong đó có việc triển khai hiệu quả Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề nhưng vô cùng quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung; các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới, không trông chờ, không ỷ lại.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đơn giản hoá, tái cấu trúc quy trình TTHC để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân; bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 1.7.2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.
Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ ngành, địa phương, tạo tiền đề cho phát triển, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các TTHC; đẩy mạnh tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển Chính phủ số và thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn.
Mặt khác, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hoá đơn điện tử, nhất là trong quản lý hoạt động thương mại điện tử; quyết liệt thực hiện các giải pháp về hoá đơn điện tử, các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai hoá đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử.
“Các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các địa phương với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cùng sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, đồng thời thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trúc Ly