Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
À, tối hôm nọ ông có xem được buổi trực tiếp truyền hình bế mạc SEA Games 29 không? Chẳng biết sao, tôi thấy thông báo rõ ràng là truyền hình sẽ phát lúc 19 giờ, vậy mà tôi rà khắp các đài suốt hơn nửa tiếng đồng hồ vẫn chẳng thấy trực tiếp ở đâu hết!
-Ông không xem được là phải rồi! Phải chi ông chịu khó rà thêm chừng hơn một tiếng nữa, đến 20 giờ 45 phút thì xem được!
-Vậy à, sao kỳ vậy ta, truyền hình gì mà nói giờ này làm giờ khác là sao?
-Phải nói cho rõ là tại truyền hình nước chủ nhà SEA Games, chứ không phải đài quốc gia mình đâu nghen. Có vậy mới đúng nghĩa là sân chơi “ao làng” như các báo khu vực họ nói chứ!
-Là sao hả ông?
-Cũng đâu có sao. Ông chịu khó đọc báo thật kỹ thì biết!
-Tôi theo dõi kỹ lắm chứ, có buổi trực tiếp môn thi đấu nào mà tôi không coi, mà có bao giờ nghe cái từ ao chuôm gì đó đâu!
-Ðúng, ông chỉ xem tường thuật thi đấu trên sóng truyền hình thì không thấy gì đâu, ông phải xem báo kìa, nhất là xem các mẩu chuyện bên lề mới biết hết các trò “ao làng” để “tát hết” huy chương của gia chủ SEA Games 29 ông ơi. Thôi đủ trò hết, đoàn nào cũng bị hết…
-Vậy hả, đoàn mình có bị hông?
-Sao lại không, ví dụ như là vụ nữ vận động viên đi bộ nước mình bị về nhì vì vận động viên nước chủ nhà… chạy bộ qua mặt ở khoảng nước rút đó! Hay là chuyện ta phải nhận huy chương vàng “đồng hạng” với họ trong khi mình thắng cuộc rõ ràng. Hoặc như chuyện vận động viên ta có khả năng lấy huy chương vàng hôm sau, thì tối hôm trước bị hành phải đi thử đô-ping tới gần 1 giờ sáng.
Vậy mà hôm sau anh chàng bị chơi trác ấy vẫn giành được huy chương vàng mới khiếp chứ! Rồi còn ba thiên chuyện không phe-pờ-lây như vậy với các đoàn khác nữa…Vì thế nên dư luận báo chí khu vực mới chê bai được chớ!
-Ừ, chán thật ông nhỉ! Mà tôi thấy dường như kỳ SEA Games nào cũng vậy hết ông ơi. Nước nào đăng cai cũng tìm cách loại bỏ những môn yếu của mình, môn mạnh của bạn để tranh thủ gom huy chương, sao sân chơi quốc tế mà không có tinh thần thượng võ gì hết vậy ông?
-Thì… vậy người ta mới gọi SEA Games là cái “ao làng”.
-Vậy, bốn năm sau nữa đến phiên nước mình đăng cai tổ chức, liệu… có vượt khỏi cái “ao làng” ấy không?
-Ông yên chí đi, bế mạc SEA Games 29, ông trưởng đoàn thể thao nước mình đã phát biểu thẳng thắn với báo chí là đến phiên Việt Nam tổ chức SEA Games 31, ổng sẽ kiến nghị Nhà nước đưa vào nội dung thi đấu các môn Olympic chính thống, không chơi các món “đặc sản” của chủ nhà như mấy kỳ SEA Games vừa qua, mang tiếng dữ quá!
-Ừ há, làm vậy hay đó, nhưng mà… như vậy chẳng phải sợ mình thua thiệt hơn người ta sao?
-Ông có quyền lo lắng như vậy, nhưng ông khỏi lo, chuyện đó ngành thể thao nước mình đã tính rồi, bằng cớ là việc đầu tư cho các môn điền kinh, bơi lội, cử tạ… của ta mấy năm qua chẳng phải đã đem lại kết quả mỹ mãn tại kỳ SEA Games mới rồi đó sao! Mình đi đúng hướng, sợ gì không tới đích!
BÀN DÂN