Sáng 15/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố quyết định thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng sự ra đời của Ban Tiếp công dân Trung ương, đồng thời khẳng định việc lập Ban Tiếp công dân Trung ương theo tinh thần của Luật Tiếp công dân là sự kiện lớn nhằm đổi mới công tác tiếp dân.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp công dân trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân; tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ công bố. (Ảnh: Lê Thơm). |
Phó Thủ tướng cũng hoanh nghênh và đánh giá cao Thanh tra Chính phủ đã nhanh chóng nghiên cứu đề xuất cho Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2014, và chuẩn bị các điều kiện cho Ban Tiếp Công dân Trung ương thành lập.
Để bảo đảm hiệu quả của Ban Tiếp công dân các cấp, góp phần đáp ứng nhu cầu “nóng” của xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải nhanh chóng phối hợp các cơ quan liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định số 64/2014/NĐ-CP để qui định chế độ, chính sách cho cán bộ tiếp công dân, qui trình tiếp công dân cho các Bộ, ngành, địa phương khoa học, tránh lòng vòng, nhiêu khê, hình thức. Đồng thời, xây dựng qui chế phối hợp tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân Trung ương giữa 7 cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm mẫu cho các cơ quan địa phương, ngành trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo; chuẩn bị, trang bị cơ sở vật chất cho công tác tiếp công dân; xây dựng hệ thống thông tin kết nối trong toàn quốc về công tác tiếp công dân.
Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cán bộ tiếp công dân thường xuyên trau dồi đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ, đặt mình vào vụ việc, chu đáo, tôn trọng nhân dân; tổ chức khoa học phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo (KNTC).
Phó Thủ tướng lưu ý: Các cơ quan chức năng phải lắng nghe ý kiến Ban Tiếp công dân, không để ở Trụ sở Tiếp công dân rất “nóng” lên đến cơ quan Trung ương lại “im ắng”. Ban Tiếp công dân không làm thay cơ quan chuyên môn ở địa phương trong việc tiếp dân.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức về công tác này ngày càng được nhân lên, pháp luật được củng cố, hoàn thiện; giải quyết KNTC quyết liệt, thường xuyên, góp phần giữ ổn định an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng còn những hạn chế nhất định, một số nơi chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định; hiện tượng chồng chéo, sai sót trong công tác xử lý đơn thư còn khá phổ biến; nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh, giải quyết thiếu dứt điểm dẫn đến khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp; việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài có nơi còn lúng túng, thiếu quyết liệt… ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và xã hội.
Luật Tiếp công dân được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2014. Để Luật Tiếp công dân được thực hiện có hiệu quả, ngày 14/7/2014, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh ký Quyết định số 1616/QĐ-TTCP thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương, thay thế Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư. Ban Tiếp công dân Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. |
Nguồn: Báo điện tử ĐCS