BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rà soát lại văn bản thi hành luật lao động nước ngoài, đơn giản hoá 30% thủ tục hành chính

Cập nhật ngày: 28/09/2010 - 11:28

Sáng 28.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì phiên họp.

Theo tờ trình của Văn phòng Quốc hội, năm 2010, hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội được đẩy mạnh và có nhiều cải tiến. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình hiện nay.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2011.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và tiến hành giám sát chuyên đề.

Tán thành với dự kiến giám sát 1 trong 3 chuyên đề, nhưng nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về nội dung các chuyên đề trong hoạt động giám sát.

Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2003 là quá lớn do phạm vi điều chỉnh của luật rất rộng và giám sát vào thời điểm năm 2011- năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội là không phù hợp.

Theo dự kiến, tại phiên họp tháng 6.2011, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, báo cáo Quốc hội khoá XIII tại kỳ họp thứ I.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Phạm Minh Tuyên cho rằng, cần cân nhắc kỹ vì quá trình giám sát về bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành từ khi bắt đầu công bố bầu cử. Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể nghe kết quả giám sát tại các phiên họp của thường vụ.

Ông Phạm Minh Tuyên cũng đề nghị nên chuyển nội dung giám sát việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND sang năm 2012 hoặc 6 tháng đầu năm 2013.

Tiếp đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nghị quyết nêu rõ, báo cáo kết quả giám sát phản ánh khá toàn diện, khách quan và sát với thực tế. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần tập trung rà soát văn bản hướng dẫn thi hành luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đơn giản hóa 30% thủ tục hành chính

Tiếp tục phiên họp thứ 35, chiều 28.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp

Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát cải cách thủ tục hành chính của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: sau hơn 3 năm thực hiện, đề án 30 đã đơn giản hóa được 30% các quy định về thủ tục hành chính, ước tính tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp gần 30.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nhiều thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng còn phức tạp, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho dân và doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng: “Thủ tục hành chính là một khâu của quản lý nhà nước và tùy thuộc nhiều vào thể chế, bộ máy và trình độ phát triển của xã hội nói chung và kinh tế nói riêng; Do vậy, cải cách thủ tục hành chính đòi hỏi đảm bảo tính khoa học. Cải cách thủ tục hành chính một mặt phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nhưng mặt khác phải đảm bảo yêu cầu quản lý của Nhà nước. Vì thế, phải từng bước hoàn thiện thủ tục hành chính mới đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng: Một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, tầm quan trọng của công các cải cách thủ tục hành chính, chưa chú trọng đến việc quản lý bằng quy hoạch, kế hoạch, tạo khung pháp lý để người dân và tổ chức tự quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Ông Hà Văn Hiền đề xuất: “Chúng ta phải cải cách việc ban hành văn bản rõ rằng, cụ thể và minh bạch. Ngoài ra, phải quy rõ trách nhiệm của cán bộ công chức, người thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị hành chính đấy; Tiếp tục tăng cường phân cấp nữa trong quản lý hành chính”.

Về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, nhiều ý kiến đồng tình với nội dung trong báo cáo kết quả giám sát, cho rằng, một số thủ tục hành chính như đăng ký thuế, nhận hồ sơ khai thuế, hoàn thuế… được thực hiện thông qua cơ chế một cửa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Tuy nhiên, cũng còn ý kiến cho rằng việc quy định cho phép doanh nghiệp đăng lý mẫu in và tự in hóa đơn tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp do không thể kiểm soát được số lượng hóa đơn tại các cơ sở in, tạo cơ hội cho việc mua bán, gian lận hóa đơn.

Các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng ban hành các tiêu chuẩn, quy định, định mức kinh tế, tạo khuôn khổ pháp lý công khai, minh bạch; Chính phủ, Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những quy định không phù hợp để hoàn thiện hệ thống pháp luật; Chú trọng hơn đến yếu tố con người và tiếp tục triển khai chương trình hiện đại hóa nền hành chính đáp ứng yêu cầu hội nhập và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đó, buổi sáng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011. Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2011. Theo đó, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá 13, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và tiến hành giám sát chuyên đề. Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngày 29.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA-31).

(Theo VOV)