Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mớ rau, quả vườn nhà, dẫu ít ỏi nhưng lại được nhiều người yêu thích, vì ngoài tươi xanh, còn là cả tấm lòng của những người bà, người mẹ tần tảo.
Bà Đá bán rau cho khách.
Những manh rau, sọt hoa quả nhỏ, không đa dạng chủng loại vì nó xuất xứ từ vườn nhà, được chăm chút bởi những bàn tay đã nhuốm màu thời gian của các bà, các mẹ, nhưng rất tươi xanh. Rau và hoa quả ấy có thể mang chút nhọc nhằn của những bà mẹ quê phải tự làm nuôi thân; hay là chút niềm vui của những bà mẹ “ghiền” chợ mà đến.
Tại chợ phường 3, thành phố Tây Ninh, gần 10 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Đá, 65 tuổi, đã bán gần hết thau rau vườn nhà. Những lọn rau được bà cột gọn gàng, ngâm ít nước để giữ tươi lâu phòng nắng sớm làm héo úa. Bà Đá chuyên bán những loại rau như đọt chùm bao, khổ qua rừng, ngải cứu- được bà chăm chút từ vườn nhà. Bà Đá giải thích, những loại rau này dễ trồng, “ăn nên thuốc”.
Bà Đá từ miền Bắc vào Tây Ninh sống cùng con cháu, lúc nhàn rỗi, bà xin hàng xóm mấy cây rau về trồng chỉ để ăn. Nhờ chăm kỹ rau tốt tươi, bà nghĩ nên mang ra chợ bán. Bà nói: “Trước đây, khi còn ở ngoài Bắc tôi không có buôn bán gì đâu, vào đây có thời gian rảnh rỗi, nhà có ít rau tôi mới mang ra chợ”.
Mỗi lọn rau, bà bán khoảng 10 ngàn đồng, mỗi ngày bà bán hơn chục lọn. Không chỉ bán rau vườn, bà Đá còn mang theo những gốc rau để tặng giống cho những người muốn trồng. Việc buôn bán của bà Đá không diễn ra thường xuyên, chỉ khi trong vườn có nhiều rau bà mới ra chợ.
Hình ảnh bà Đá với chiếc xe đạp cũ, phía sau là thau rau xanh non đã trở thành quen với nhiều người. Bà cho biết, ra chợ bán, vừa tận dụng thời gian đi chợ buổi sáng, vừa có chút niềm vui lúc tuổi già khi thấy nhiều người thích mớ rau mà bà bỏ công chăm sóc.
Buổi chợ sáng ở Long Hải, bà Mai Thị Diễm Hương, 70 tuổi, ngụ ấp Long Hải, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành mang một ít trái cây vườn nhà ra chợ. Đất nhà rộng, gia đình bà trồng mít, xoài, chôm chôm, nhãn...
Tới mùa, cây trái trĩu quả, con cháu trong nhà ăn cũng không bao nhiêu, nên bà hái mang ra chợ bán. Bà lớn tuổi nên con cháu không muốn cho bà làm việc nặng, khuyên bà nghỉ ngơi, nhưng bà vẫn tranh thủ ra chợ, vì thích bầu không khí nhộn nhịp ở chợ, được gặp mấy bà bạn già, í ơi trò chuyện, miết rồi trở thành một trong những niềm vui sống.
Khách mua xoài của bà Diễm Hương.
Mỗi khi thấy bà Hương chở trái cây trên chiếc xe Cub 50 đến chợ, những người ngồi bán gần giúp bà bê xuống, trải manh bao và bày biện trái cây ra bán. Chị Hồng- cũng bán trái cây gần đó nói thêm vào: “Bà bán nhanh lắm, vừa bày hàng ra chỉ vài tiếng sau đã hết sạch, nhiều người còn tranh mua, bà phải hẹn ngày hôm sau”.
Khách hàng của bà Hương đa phần là người quen, mỗi khi thấy bà xuất hiện ở chợ là tranh thủ ghé mua, một phần vì họ biết là trái cây vườn nhà, không xịt thuốc; một phần vì bà rất vui tính, thân thiện.
Cũng với mớ rau từ vườn nhà, dẫu ít nhưng lại là nguồn thu nhập trang trải cuộc sống của bà Thi Thị Hương, 54 tuổi, ngụ ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu. Hơn 10 năm nay, bà Hương chọn trồng rau muống, rau dền quanh căn nhà nhỏ vì dễ chăm sóc, ít sâu bệnh.
Đến vụ, từ sớm mơi, bà đã dậy để nhổ rau, rửa sạch đất và bó thành bó nhỏ để kịp mang ra chợ. Nơi bày hàng của bà Hương là một manh bao nằm trong góc phía sau chợ Bàu Năng. Rau được bà bán từ 14 đến 20 ngàn đồng/kg.
Mỗi đợt bà bán trong 5 ngày, mỗi ngày khoảng 5kg rau, thu nhập khoảng 500.000 đồng/đợt. Bà Hương cho hay: “Mình trồng ít, nếu sang cho người khác thì không có lời bao nhiêu, chịu khó ngồi lại chợ bán vài giờ thì tiền kiếm được cũng nhiều hơn chút đỉnh”.
Bà Thi Thị Hương bán rau tự trồng đã 10 năm.
Theo bà Hương, trồng rau vừa có thêm thu nhập, vừa vận động giúp cơ thể dẻo dai. “Cảm giác múc từng gàu nước tưới đám rau vào buổi sáng, cũng vui vui” - bà nói.
Mớ rau, quả vườn nhà, dẫu ít ỏi nhưng lại được nhiều người yêu thích, vì ngoài tươi xanh, còn là cả tấm lòng của những người bà, người mẹ tần tảo.
Vi Xuân - Cỏ May