Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Rau sông quê tôi
Thứ sáu: 16:03 ngày 04/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quê tôi có hai món đặc sản mà thực khách thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi, đó là bánh canh và bánh tráng nướng phơi sương. Đặc biệt, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Chiếc bánh tráng nướng ở đây vốn đã ngon, và còn ngon hơn gấp nhiều lần khi được cuốn bên trong thịt heo luộc, rau sông và chấm nước mắm. Ngồi vào bàn ăn, thực khách mới nhìn xấp bánh tráng phơi sương, dĩa thịt luộc, tô nước chấm và mớ rau sông là “bắt mắt” liền. Riêng mớ rau sông ấy, cũng phải năm, bảy loại rau trộn chung với nhau. Đây mới chỉ là số ít so với số loại rau sông rất phong phú của quê tôi.  

Ngày nay, người ta trồng rau móp để kinh doanh (ảnh minh họa)

Quê tôi vùng sông nước, có một dòng rạch chính chảy qua, cùng với nhiều con rạch nhánh đi sâu vào các cánh đồng. Ven rạch chính và các con rạch nhánh là những cánh đồng sâu trũng, những lung láng, bãi sình lầy ngập nước mọc nhiều loại lá, hoa, hoặc thân cây… có thể ăn sống, hoặc chế biến ăn với cơm (hay bánh xèo, bánh tráng…) đều được và ngon, gọi chung là rau sông, có loại mọc chìm trong nước, có loại sống gần sông rạch.

Đây là nguồn rau xanh dồi dào mà thiên nhiên tặng cho bà con quê tôi. Không ai ra công gieo trồng, không tốn một đồng mua con giống; không ai bón phân, xịt thuốc, cũng chẳng có người tưới một ca nước nào… Xin được kể ra một vài loại rau sông, mà hồi nhỏ tôi thường đi nhổ, cắt, ngắt (tuỳ theo loại mà có cách thu hoạch khác nhau) để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho gia đình.

Trước hết là rau chạy. Hồi đó, trên các bờ rạch quê tôi, dây chạy mọc chằng chịt, tạo thành từng lùm rậm rạp. Những đọt non dây chạy màu tím tím xoè ra tua tủa. Trước kia chị tôi hay nấu canh rau chạy với cá, thỉnh thoảng nấu với thịt.

Không có thịt, cá thì chị nấu canh suông rồi nêm chút mắm ruốc. Nấu canh hoài ăn cũng ngán, chị đổi sang luộc. Rau chạy luộc chấm nước mắm tỏi ớt, hoặc chao, nước tương… rất ngon. Ngoài hái đọt non, bà con quê tôi thường cắt dây chạy già phơi khô để làm dây bện.

Ngoài dây chạy, ven các bờ rạch còn có nhiều bụi rau móp. Thân cây rau móp cao chừng năm bảy tấc, có gai. Đọt rau móp chế biến thức ăn, củ rau móp dùng làm thuốc nam. Chị tôi thường kêu tôi đi cắt rau móp về luộc, nấu canh, hoặc xào…

Hôm nào tôi cắt nhiều, chị đem rau móp muối chua để dành ăn. Gần đây, loại cây này đã trở nên khan hiếm, vì nhiều người đi tìm và khai thác theo kiểu huỷ diệt, bằng cách đào gốc lấy củ. Để rau móp không tuyệt chủng; đồng thời có thêm thu nhập, hiện nay, quê tôi có người đầu tư trồng rau móp.

Ven bờ rạch, trên các bãi bồi, cây chuối nước mọc rất nhiều, tạo thành những bụi, lùm, hàng dài. Thường khi nhà có con cá lóc ngon, để đổi bữa, chị lại kêu tôi đi cắt chuối nước về nấu canh. Nghe “lệnh” chị là tôi rút lưỡi liềm trên vách, xách cây dầm đi xuống bến, chèo xuồng đi cắt mấy bắp chuối nước về cho chị chế biến.

Thường chị nấu canh chua chuối nước với cá lóc. Món canh chua chuối nước của chị nấu thì cả nhà không thể nào chê được. Ngoài ra, trên các bãi bồi còn có những đám môn nước. Loại môn này có màu xanh (khác với môn ngứa, có màu tím đen ăn ngứa họng) ăn rất ngon. Tôi hay cắt về luộc, nấu canh chua, xào và muối chua.

Trên bờ rạch còn mọc nhiều loại rau ăn lá (loại rau thường thấy trên bàn ăn đặc sản bánh tráng phơi sương) như rau vừng (lộc vừng), đọt trâm ổi, săng máu, rau câu, bí bái... Đây là loại rau ăn sống. Khi nhà có cá kho mắm đồng, hay tương xào, hoặc đổ bánh xèo, ăn bánh tráng… chị lại kêu tôi chèo xuồng qua rạch hái các loại rau này.

Cũng là rau sông, nhưng mọc trong bùn đất, lên dưới nước, như rau hẹ, rong cây, bông súng, rau bợ… Trước kia đồng ruộng quê tôi nhiều rau hẹ lắm (nay trên cánh đồng quê tôi không còn thấy rau này nữa). Rau này mọc ngầm dưới nước thành từng bụi. Khi nhổ thì nhổ nguyên bụi cả gốc rễ.

Sau đó ngắt gốc và rửa sạch. Không như rau hẹ trồng trên bờ, rau hẹ nước chỉ ăn sống, không thấy ai nấu chín bao giờ. Hồi trước, thường bắt đầu khoảng tháng sáu âm lịch, khi những đám ruộng lầy đã cấy xong thì rau hẹ mọc rất nhiều.

Những ngày không đi hái rau sông trên bờ rạch, tôi lại lội ruộng nhổ rau hẹ. Hồi đó, nhà nghèo thiếu thốn đủ thứ, nên anh chị em tôi ăn rau hẹ chấm với thức chấm nào cũng ngon. Chị tôi thường kho cá (do anh em tôi đi câu) với mắm đồng (nhà làm), khi không có cá, không còn mắm đồng, chị kho mắm ruốc để chấm rau hẹ. Lâu lâu “chơi sang” một tý, chị đi chợ mua cá hấp, hoặc thịt ba rọi về kho. Món này mà chấm rau hẹ thì không chê vào đâu được.

Khi không cá mắm, thịt… chị lại cho cả nhà “ăn chay”. Chị đâm đậu phộng sống rồi kho, hay tương xào, tàu hủ kho, có khi chị mua chao… về chấm rau hẹ. Ngoài rau hẹ nước ra, tôi thường lội dưới lung láng nhổ bông súng về ăn. Bông súng thì ăn sống chấm cá kho, mắm kho, thịt kho… hay nấu canh chua cá rô đồng đều ngon. Có khi tôi nhổ được nhiều bông súng, ăn sống không hết, chị cắt ra từng khúc, rồi đem muối chua để dành ăn.

Ngày nay cánh đồng quê tôi có loại rau gần như tuyệt chủng rồi, đó là rau hẹ và rong cây. Bông súng thì còn ít, chỉ rải rác một vài lung láng sâu vào mùa nước nổi mới có. Cây rau vừng có thời gian bị người ta tìm kiếm đào bứng về làm cây kiểng, nên giờ trở nên khan hiếm.

Rau móp bị người ta thi nhau cắt gốc, nhổ cây vừa ăn, vừa làm thuốc nam, nên giờ khó tìm. Riêng rau chạy, trâm ổi và chuối nước tôi thấy còn, hình như ít có người hái ăn. Đã lâu lắm rồi, tôi không còn chèo xuồng trên những dòng rạch quê hương mình để cắt cỏ, câu cá, thả lưới, săn chuột… và hái rau sông nữa.

T.L

Tin cùng chuyên mục