Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, rừng Bến Cầu là một trong những căn cứ địa của tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt là rừng Bù Lu- Chuối Nước mà trước kia nguỵ quyền Tây Ninh rất nể nang, chúng gọi đây là “chiến khu”.

|
Cầu Bù Lu đã được xây dựng cơ bản, nối dài đường liên xã Long Giang- Long Phước.
Huyện Bến Cầu có khí hậu, thời tiết rất thuận lợi cho các loại cây trồng. Trên vùng đất này xưa kia có rất nhiều loại cây rừng quý hiếm. Khi các vị tiền hiền đến đây khai hoang lập ấp, nơi đây hầu hết là rừng liên hoàn. Người xưa thường lấy tên các loại cây rừng để đặt tên cho xóm ấp, có những cái tên sau này đã trở thành địa danh hành chính hoặc tên gọi di tích lịch sử của địa phương. Có những địa danh từng gắn với những chiến công oai hùng của quân dân ta trong các thời kỳ chống giặc, nó đã in sâu vào lòng người dân địa phương và chắc chắn sẽ còn tồn tại mãi mãi với thời gian. Xã Tiên Thuận có Rừng Dầu (nay là ấp Rừng Dầu), xã Lợi Thuận có Rừng Da (nay là khu phố 3, thị trấn Bến Cầu), xã Long Phước có Rừng Nhum- đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, rừng Bến Cầu là một trong những căn cứ địa của tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt là rừng Bù Lu- Chuối Nước mà trước kia nguỵ quyền Tây Ninh rất nể nang, chúng gọi đây là “chiến khu”. Vào tháng 11.1945, khi giặc Pháp xâm chiếm vùng đất Tây Ninh, chúng đã nuôi ý đồ và dùng nhiều thủ đoạn để đánh chiếm Bến Cầu. Chúng tung quân chiếm các nơi, cứ tưởng rằng trong thời gian ngắn sẽ tiêu diệt toàn bộ lực lượng kháng chiến tại Bến Cầu. Nhưng nhân dân Bến Cầu vốn có truyền thống cách mạng lâu đời và đã được thử thách trong đấu tranh gian khổ, ác liệt đã tự nguyện đóng góp công của và sẵn sàng hy sinh cho cách mạng. Địa hình Bến Cầu có rừng rậm, rừng lõm, rừng chồi xen kẽ khắp các xã, đó là lợi thế cho lực lượng tự vệ phục kích chống trả các cuộc hành quân càn quét của giặc Pháp.
Theo tư liệu truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu (1945-1975) vào tháng 1.1946, Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Tây Ninh và các bộ phận vũ trang của tỉnh về lập chiến khu ở rừng Tầm Đinh (thuộc xã Ninh Điền, huyện Châu Thành)- một nơi đông dân, có nguồn lương thực khá dồi dào lại giáp ranh với Bến Cầu. Các bộ phận vũ trang tỉnh được thống nhất lại thành một phân đội (tương đương một đại đội). Phân đội này đã giải phóng tổng Giai Hoá (gồm 6 xã: Long An, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận và Tiên Thuận), đồng thời làm nòng cốt cho nhân dân đấu tranh chống giặc từ phía Tây kéo sang cướp phá. Trong thời điểm này, tại rừng Bù Lu- Chuối Nước, tỉnh mở lớp quân chính đầu tiên nhằm đào tạo cán bộ quân chính sơ cấp để giải quyết tình hình thiếu cán bộ lúc ban đầu của cuộc kháng chiến. Theo các bậc cao niên, sở dĩ có tên gọi Bù Lu- Chuối Nước là do nơi đây trước kia là một khu rừng rậm, cây cối “bù lu, âm u”; bên cạnh khu rừng là một con rạch nhỏ (dẫn nước từ rạch Vàm Bảo ở khu vực xã Long Khánh băng qua khu rừng rồi qua các cánh đồng vùng Long Phước lên bến Cây Chò thuộc huyện Châu Thành) mọc rất nhiều cây chuối nước. Tại con rạch này, người dân khắp nơi thường lui tới chặt cây chuối nước đem về chế biến làm thức ăn. Cũng nhờ địa hình rừng rậm, có nhiều cây chuối nước, lại có nhiều người dân thường xuyên lui tới, lực lượng cách mạng có điều kiện thuận lợi để hoạt động, đặc biệt là tổ chức các lớp đào tạo cán bộ phục vụ cách mạng.
Trong tư liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005) có nêu: “…Một vấn đề cấp bách là đào tạo cán bộ cho Chi đội 11 và các huyện. Theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ lâm thời, lớp quân chính đầu tiên mở tại Bù Lu- Chuối Nước. Lớp quân chính do đồng chí Nguyễn Hữu Dụ và đồng chí Trần Văn Quán phụ trách, có giảng dạy thêm chương trình Việt Minh để đào tạo cán bộ Việt Minh cơ sở. Về sau, Tỉnh uỷ mở riêng hai lớp đào tạo cán bộ Việt Minh ở xóm Vịnh và Chà Là. Sau đó, tại Bàu Chanh mở lớp quân chính khoá 2 đặc biệt về công tác chính trị trong quân đội… Cán bộ thông tin tại địa phương cũng được đào tạo thêm và bắt đầu hoạt động tuyên truyền, nhất là tuyên truyền phổ biến thắng lợi của Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3 (được ký kết giữa Pháp và Việt Nam dân chủ cộng hoà), xây dựng niềm tin trong đồng bào, vận động đồng bào tham gia kháng chiến và ủng hộ kháng chiến.
Cũng vào tháng 3.1946, bộ phận vũ trang của tỉnh rút về An Điền, Bến Cát (Bình Dương) và được tổ chức lại thành Chi đội 11 (chính là tiền đề cho sự hình thành Ban Chỉ huy Huyện đội và các đại đội địa phương sau này). Sau đó, Chi đội 11 trở về tỉnh nhà, đóng tại Bàu Gõ, Lợi Thuận, Bến Cầu. Địch phát hiện, tập trung lực lượng tấn công bốn mặt nhưng chúng đã bị Chi đội 11 giáng trả quyết liệt, giành thắng lợi giòn giã, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta lúc bấy giờ. Sau đó, Chi đội 11 kéo về đóng quân tại Bù Lu- Chuối Nước. Cũng tại nơi này, khoảng tháng 4.1946, Tỉnh uỷ lâm thời Tây Ninh đã tổ chức các cuộc hội nghị cán bộ để trao đổi, bàn bạc về tình hình ở địa phương và phương hướng lãnh đạo hoạt động kháng chiến.
Một lần nữa, vào tháng 3.1947, khoảng 1 đại đội lính Pháp trang bị vũ khí tối tân, từ quốc lộ 1 càn vào khu vực Chợ Cầu (xã Long Thuận ngày nay) rồi xông ra tận cầu Xóm Khách (xã Long Giang). Sau vài giờ cướp phá, địch tập trung các loại súng bắn về hướng Long Chữ, Bù Lu- Chuối Nước- những nơi mà chúng không dám đến. Lúc này bộ đội ta quyết liệt chống trả dựa vào địa hình thuận lợi và nhiều thế mạnh khác. Địch phải lui quân về Long Thuận. Sau đó, chúng rút đi hướng Svay Rieng, Campuchia. Khi đội hình của chúng vừa ra đến bìa xóm Đình (Long Thuận) thì bộ đội ta từ Xóm Lò (Tiên Thuận) đến xóm miễu Ông Hổ (Long Thuận) đồng loạt nổ súng chặn đường rút lui, gây thương vong cho chúng. Hàng ngũ địch rối loạn, tên chỉ huy Pháp đang cưỡi ngựa phải lộn nhào xuống đất để tránh đạn. Cả bọn bỏ chạy trối chết về hướng Bàu Lúa Ma, giáp biên giới Campuchia.
Rừng Bù Lu- Chuối Nước ngày nay thuộc địa phận ấp Long Tân và ấp Cao Su của xã Long Giang. Rừng cây không còn như xưa, chuối nước dưới rạch cũng không còn nhiều như trước. Người dân đã biến đất rừng nơi đây trở thành vùng đất màu mỡ. Ánh điện lung linh khắp thôn xóm, con rạch Bù Lu cũng là nguồn nước phục vụ bơm tưới ruộng đồng, người dân trồng nhiều cây tràm vàng, bạch đàn để bảo vệ bờ rạch khỏi sạt lở. Đường sá được nâng cấp thông thoáng. Cây cầu Bù Lu đã nối liền đường liên xã Long Giang- Long Phước. Cái tên gọi Bù Lu- Chuối Nước vẫn cứ tồn tại trong trí nhớ người dân địa phương.
THUỲ DUNG