Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sai lầm và sự tha thứ
Chủ nhật: 08:45 ngày 26/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cuối tháng 12-2013, dư luận xôn xao trước sự việc hai bảo mẫu bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (TP Hồ Chí Minh).

Cảnh tượng những đứa trẻ bị tát trong lúc ăn, bị bóp cổ, thậm chí bị dúi đầu vào thùng nước khiến bất cứ ai cũng không khỏi bức xúc, phẫn nộ. Hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ của hai bảo mẫu sau đó đã phải nhận bản án nghiêm khắc của tòa án với ba năm tù giam cho mỗi người. Đến nay, họ đã ra tù và trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Vì đều còn trẻ, họ hoàn toàn có thể bắt đầu cuộc sống mới bằng cách tìm một công việc lương thiện để mưu sinh, quên đi quá khứ đau buồn đã qua. Nhưng dù muốn hay không, những đoạn video clíp năm nào, những bài báo lên án hành vi của hai bảo mẫu vẫn còn trên in-tơ-nét, và có thể có người vẫn nhận ra họ. Vậy dù muốn, liệu họ có thể trở lại để sống một cuộc đời bình thường?

Mới đây, Nguyễn Lê Thiên Lý - một trong hai bảo mẫu bị tuyên án ngày trước đã xuất hiện trên báo, trong một bài trả lời phỏng vấn. Chắc chắn cô gái ấy không thể quên được những ngày tháng khủng khiếp khi mình trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, khi 19 tuổi đã phải đứng trước vành móng ngựa, trước cả rừng ống kính và sự phẫn nộ của hàng trăm người kéo đến theo dõi phiên tòa.

Chắc chắn, nhu cầu được mọi người quên đi là cách mà nhiều người trong hoàn cảnh như Thiên Lý sẽ lựa chọn, nhưng tại sao cô gái ấy lại đồng ý xuất hiện trên báo chí? Đây có thể coi là hành động “liều lĩnh”, vì sự xuất hiện của cô rất dễ gợi lại những nỗi đau, thậm chí khơi lại sự giận dữ của đám đông, nhất là vào thời điểm vẫn xảy ra các vụ bạo hành trẻ mầm non tại nơi này nơi khác và bài học có tính răn đe từ câu chuyện của hai bảo mẫu năm nào vẫn còn nguyên tính thời sự.

Song Thiên Lý đã xuất hiện, bởi cô muốn bày tỏ tâm nguyện tha thiết: “Tôi mong mọi người lên án sai lầm của tôi chứ đừng chà đạp cuộc đời tôi”. Không khó để nhận ra ở sự trở lại lần này, Thiên Lý đã là một con người khác, chín chắn, điềm đạm. Những năm tháng thanh xuân phải ngồi sau song sắt để trả giá cho hành vi sai lầm ở tuổi đôi mươi, đã đủ thời gian để cô gái ấy bình tĩnh nhìn lại sự cố của cuộc đời mình, để rồi gắng gượng đứng lên và tiếp tục sống giữa mọi người: “Tôi không hy vọng được quên, nhưng hy vọng được tha thứ... Tôi phải tìm lại được mình và làm lại cuộc đời mình”.

Giờ đây, cô bảo mẫu ngày nào sắp trở thành bảo mẫu cho đứa con sắp chào đời của mình, và phải chăng hơn bao giờ hết, cô mong mỏi mọi người sẽ dành sự bao dung, rộng lượng cho cô.

Chuyện của bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý là bài học đắt giá, giúp cảnh tỉnh những giáo viên trẻ còn khuyết thiếu trong kỹ năng ứng xử, kinh nghiệm chuyên môn và cuộc sống, dẫn đến hành vi bộc phát, vi phạm các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật.

Chúng ta nghiêm khắc đối với các hành vi tiêu cực, phi nhân tính, làm tổn hại người khác, nhưng chúng ta cũng biết sẽ không bao giờ muộn để một người có cơ hội sửa sai và làm người tử tế. Bởi khi lỗi lầm đã được xử lý nghiêm minh, người mắc sai lầm đã nhận thức đầy đủ về lỗi lầm của mình, đồng thời có ý thức, thái độ sửa đổi nghiêm túc thì họ cũng rất cần sự bao dung, độ lượng của cộng đồng, để từ đó tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục