BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sản lượng cá khai thác hồ Dầu Tiếng tiếp tục tăng

Cập nhật ngày: 19/06/2011 - 11:20

Thả cá giống xuống lòng Hồ Dầu Tiếng

Trong 6 tháng đầu năm 2011, theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản thuộc Sở NN%PTNT Tây Ninh, sản lượng thuỷ sản khai thác được trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.820 tấn, trong đó chủ yếu là sản lượng cá đánh bắt trong hồ Dầu Tiếng. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thuỷ sản khai thác đạt cao hơn khoảng 20,5%. Với tiến độ khai thác như vậy, trong năm 2011 có nhiều khả năng sản lượng thuỷ sản khai thác đạt hơn 3.200 tấn, tăng đến 7 lần so với năm 2005. Đây là kết quả khả quan sau 6 năm thực hiện chủ trương thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng của UBND tỉnh.

Theo Chi cục Thuỷ sản, cách nay khoảng hơn 20 năm, khu vực chung quanh hồ Dầu Tiếng có đến hơn 1.000 hộ dân sinh sống, chủ yếu dựa vào nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng. Thời điểm này, sản lượng cá đánh bắt được hằng năm trong hồ không dưới 3.000 tấn. Tuy nhiên, do có quá nhiều hộ ngư dân đánh bắt, trong đó có không ít hộ thực hiện những cách đánh bắt có tính chất huỷ diệt nên nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng cạn kiệt rất nhanh. Theo điều tra của Chi cục, đến năm 2004 sản lượng cá đánh bắt được trong hồ chỉ còn khoảng hơn 400 tấn, giảm đi gần 8 lần so với trước đây.

Để khôi phục lại nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng, từ năm 2005 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản thiên nhiên trong hồ Dầu Tiếng và được UBND tỉnh đồng ý trích ngân sách đầu tư. Đợt thả cá giống trong hồ Dầu Tiếng lần đầu tiên được thực hiện vào cuối năm 2005 với hơn 280.000 con các loại: mè trắng, mè vinh, trắm cỏ, cá trôi, cá lăng. Năm 2006 ngành NN&PTNT thả cá giống đợt thứ hai với số lượng lên đến hơn 1,6 triệu con. Năm 2007 hồ Dầu Tiếng tiếp tục được thả thêm gần 1 triệu con cá giống… và năm 2010 vừa qua ngành tiếp tục thả thêm 320.000 con cá giống. Qua 6 năm thực hiện chủ trương thả cá giống, tổng cộng có hơn 5 triệu con được thả vào hồ Dầu Tiếng. Song song đó, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong hồ cũng được gia tăng, hầu hết các phương pháp đánh bắt có tính chất huỷ diệt bị nghiêm cấm và ngăn chặn. Từ đó sản lượng cá trong hồ đã tăng rõ rệt. Năm 2010 vừa qua, sản lượng cá đánh bắt được trong hồ Dầu Tiếng được 3.050 tấn, tăng gấp hơn 7 lần so với năm 2005. Tính ra, sau khi triển khai việc thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng đến nay, bình quân sản lượng cá đánh bắt được tăng đến 400 tấn mỗi năm. Đồng thời chủng loại cá đánh bắt được cũng ngày càng phong phú và kích cỡ ngày càng lớn hơn. Hiện nay trong hồ Dầu Tiếng có các loại cá mè vinh, cá trôi với kích cỡ bình quân không dưới 1 kg/con- trong đó không hiếm con lớn cỡ 2- 3 kg. Đây là kết quả rất đáng phấn khởi cho cả ngành quản lý Nhà nước về thuỷ sản lẫn người dân làm nghề đánh bắt cá trong khu vực hồ Dầu Tiếng.

Đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng

Việc thả cá giống giúp sản lượng cá trong hồ Dầu Tiếng gia tăng đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều hộ ngư dân. Năm 2011, ngành NN&PTNT đang chuẩn bị thả thêm đợt cá giống mới với tổng chi phí khoảng 500 triệu đồng và dự kiến đến tháng 10 sẽ thả vào hồ. Việc ngành chức năng tiếp tục thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng chắc chắn sẽ làm sản lượng cá trong hồ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả chủ trương thả cá giống, trước tiên ngành chức năng cần phải tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng. Bởi vì trong 6 tháng đầu năm 2011, qua thanh tra ngư cụ, Chi cục Thuỷ sản còn phát hiện một số trường hợp đánh bắt cá bằng ngư cụ cấm, qua đó xử lý tiêu huỷ hơn 1.000m lưới dớn, tịch thu 1 bộ kích điện và 1 bình ắc quy.

Riêng những hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng cũng cần phải có ý thức chấp hành đúng quy định khi khai thác cá, không tổ chức đánh bắt bằng những ngư cụ bị cấm để nguồn lợi thuỷ sản trong hồ tái tạo nhanh, sản lượng thuỷ sản tiếp tục tăng vừa tạo sự phát triển bền vững, vừa tạo nhiều công ăn việc làm cho chính những hộ ngư dân.

Sơn Trần