Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ Công thương vừa có quy định mới về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2017.
Theo đó, hạn ngạch thuế quan cho mặt hàng trứng là hơn 50 nghìn tá (hơn 600 nghìn quả, gồm trứng gà, trứng vịt, ngan và loại khác) cùng 102 nghìn tấn muối. Đối với mặt hàng muối, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp hóa chất, sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.
Bộ Công thương cho biết, thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối thực hiện theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước. Tuy nhiên, không ít diêm dân đang rất lo lắng khi niên vụ 2016, cả nước sản xuất được hơn 1,32 triệu tấn muối, nhưng việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm giá bán giảm xuống chỉ còn khoảng 200 nghìn đồng/tấn, khiến hàng trăm hộ làm muối đối mặt với nguy cơ phá sản. Để giải cứu muối tồn đọng cho diêm dân, Chính phủ đã phải chỉ đạo các Bộ Công thương, NN và PTNT triển khai thu mua tạm trữ muối.
Do sản xuất muối trong nước vẫn còn manh mún, chủ yếu theo phương pháp thủ công, kỹ thuật lạc hậu, lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu, cho nên năng suất, chất lượng muối thấp, và không ổn định. Trong khi đó, công tác nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào sản xuất muối công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, muối ăn thì dư thừa, nhưng muối công nghiệp đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu cho các doanh nghiệp thì vẫn phải nhập từ nước ngoài, với giá khoảng 28 đến 30 USD/tấn.
Để sản xuất muối đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất, y tế, Bộ NN và PTNT cần phối hợp các tỉnh, thành phố tổ chức sản xuất muối đúng quy hoạch. Đối với sản xuất muối thủ công, cần hướng dẫn người dân cải tạo nâng cấp ô, ruộng nội đồng, ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để hỗ trợ diêm dân chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất muối, chuyển nhanh sang chế biến muối sạch kết tinh trên bạt chống thấm HDPE. Đồng thời, khuyến khích các hộ làm muối tích tụ ruộng đất, thành lập tổ liên kết sản xuất muối sạch và ký kết hợp đồng tiêu thụ muối ổn định với các cơ sở sản xuất chế biến muối.
Để hạn chế đến mức thấp nhất nhập khẩu muối từ nước ngoài, vấn đề cốt lõi là các doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp cần chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và kinh doanh muối, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, đủ điều kiện làm nguyên liệu sản xuất hóa chất, phục vụ chế biến thủy, hải sản, công nghiệp thực phẩm và sản phẩm y tế. Bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của các bộ: Công thương, Y tế, NN và PTNT, cũng như hơn 20 tỉnh, thành phố ven biển có nghề làm muối phối hợp điều tiết từ sản xuất, xuất - nhập khẩu, đến dự trữ, tạm trữ và sử dụng muối hợp lý hằng năm và nhiều năm.
Nguồn Báo Nhân dân