Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sáng kiến lập pháp về Luật hành chính công không được trình Quốc hội
Thứ ba: 20:20 ngày 11/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Lần thứ hai trong lịch sử nghị trường, một đại biểu có sáng kiến lập pháp nhưng không được trình Quốc hội.

Sáng 11/9,  Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật hành chính công.

Đây là dự luật do đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường đề xuất xây dựng và làm Trưởng ban soạn thảo.

Theo quy định hiện hành, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội,  Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội...,  có quyền đề nghị xây dựng luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, trong lịch sử hoạt động nghị trường, đây là lần thứ hai đại biểu Quốc hội có sáng kiến lập pháp; trước đây ở Quốc hội khoá X, một đại biểu cũng từng đưa ra sáng kiến lập pháp nhưng không thành.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Giang Huy.

Trình bày dự án Luật hành chính công, bà Khánh nói thời gian qua, việc ban hành, thực hiện hành chính công nói chung, thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công nói riêng... còn nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc.

Theo bà Khánh, vấn đề quản lý, cung ứng dịch vụ công có vai trò, vị trí quan trọng nhưng đến nay mới chỉ được quy định sơ sài trong một số luật, nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng... Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Hành chính công là cần thiết, nhằm góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; từng bước xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công đã rất cầu thị, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện hồ sơ dự án.

Tuy nhiên,  một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng, với hồ sơ được chuẩn bị như hiện nay và để bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, chỉ nên xây dựng dự án Luật này theo hướng quy định về cách thức xây dựng, ban hành, thực hiện, kiểm soát, đánh giá thủ tục hành chính, bao gồm cả dịch vụ hành chính công (có thể gọi là Luật về Thủ tục hành chính). 

Nên coi dự luật là một công trình khoa học tâm huyết

Thảo luận về dự án Luật, các ý kiến cùa Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao sự tâm huyết, nỗ lực, cố gắng của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh và các thành viên Ban soạn thảo. Nhưng đa số Ủy viên Thường vụ cho rằng Ban soạn thảo cần tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh, tính khả thi, tính thống nhất của dự án Luật trong hệ thống pháp luật; nên dừng việc xây dựng dự luật này và coi đây là một công trình khoa học có giá trị để tham khảo.

"Qua thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật và báo cáo của Chính phủ cho thấy dự luật còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đủ chất lượng trình ra Quốc hội. Nên coi đây là dự án khoa học tâm huyết, tôi đề xuất như thế", Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Võ Hải.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, dự Luật liên quan đến rất nhiều quy định ở các văn bản khác, "tính khả thi thì còn tiếp tục phải bàn và nếu được được ban hành sẽ phải sửa đổi rất nhiều luật". 

"Chúng ta dừng ở đây, kỳ này không đủ điều kiện trình Quốc hội. Nhưng đây là công trình khoa học có giá trị để tham khảo", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận.

Tiếp thu các góp ý, bà Trần Thị Quốc Khánh cho hay, nếu Thường vụ đề xuất dừng dự luật, cá nhân bà không có gì băn khoăn vì đã nỗ lực nhiều năm xây dựng đề án. Nhưng bà cho rằng, với trách nhiệm của đại biểu, sự quan tâm của Chính phủ với đề án, mong cấp có thẩm quyền "gạn đục khơi trong" tìm ra một hướng đi khác cho dự luật.

Chốt phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Uỷ ban Pháp luật xây dựng báo cáo thẩm tra trên tinh thần báo cáo Quốc hội, xin rút dự án Luật hành chính công ra khỏi chương trình kỳ họp cuối năm.

Nguồn VNExpress

Tin cùng chuyên mục