Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo quán tính, Hải bước xuống giường, mở toang phòng mình và hét to lên trong niềm phấn khởi: Ba mẹ ơi, con đã sáng mắt rồi!
Lúc còn nhỏ, có lần Hải hồn nhiên hỏi mẹ:
-Mẹ ơi, sao con không nhìn thấy mẹ?
Mẹ Hải im lặng giây lát, rồi bảo:
-Con đang nhìn thấy mẹ đấy chứ! Nào, bây giờ con hãy đặt tay lên người mẹ và nói xem, con đã thấy những gì?
Hải đặt đôi tay búp măng của mình lên mái tóc mẹ rồi thản nhiên reo lên:
-A, mẹ có mái tóc dài óng mượt, rồi sóng mũi cao, bàn tay mềm dịu nè...
-Đấy, con đã nhìn thấy mẹ rồi!
***
Lớn lên, khi nhận ra mình khiếm thị, Hải đã khóc cả ngày và nằng nặc đòi ba mẹ đi chữa mắt cho mình. Ba Hải cố dỗ dành:
-Khi con lớn lên chút nữa, ba sẽ đưa con đến trung tâm mắt chữa trị và con sẽ vĩnh viễn giã từ bóng tối.
Nghe lời ba, Hải thôi khóc. Rồi Hải được ba mẹ đưa vào trường khiếm thị học. Ngày đầu tiên vào lớp học, Hải đã níu tay ba và khóc sướt mướt. Ba Hải lại ra sức dỗ dành:
-Ngoan nào nhóc của ba. Nghe lời ba vào lớp học, chiều ba đến rước con về. Hãy tin ở ba, ba yêu con nhất trên đời.
Không hiểu sao, mỗi khi sợ hãi hay buồn bực chuyện gì đó, chỉ một câu an ủi của ba đã làm Hải mềm lòng và ngoan ngoãn nghe theo. Hải luôn tin ở ba, xem ba là chỗ dựa an toàn nhất. Thế là Hải chậm rãi bước vào lớp học với sự dẫn dắt của giáo viên. Trong giờ học hôm đó, cô giáo bắt đầu giải thích cho Hải biết những điều tốt đẹp về thế giới khiếm thị. Cô bảo:
-Nhóc đừng buồn nữa. Ở môi trường khiếm thị cũng có nhiều điều thú vị cho em làm. Em sẽ được viết, được đọc sách, được học nhạc, được chơi thể thao... và em sẽ không cảm thấy cô đơn khi xung quanh em có rất nhiều bạn khiếm thị sẵn sàng chia sẻ vui buồn với em.
Nghe cô nói, Hải mới hiểu rằng đôi mắt của mình sẽ mãi mãi không bao giờ sáng lại như ba Hải đã từng bảo. Hải bắt đầu sợ hãi cái bóng tối u ám đáng ghét đã đeo đẳng mình suốt bao năm qua. Hải khóc thống thiết và gọi ba mẹ mình một cách tuyệt vọng. Cô giáo thản nhiên:
-Em cứ khóc nếu em thấy cần thiết. Trước đây cũng đã có nhiều học sinh rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng giống như em, nhưng bây giờ tất cả họ đã sống rất thoải mái. Cô mong em hãy chấp nhận một thực tế dù nó có tồi tệ đi chăng nữa. Ba mẹ đã khó nhọc sinh ra em, sao em lại oán ghét hình hài này? Em đau một, ba mẹ em đau bằng mười em có biết không?
Hải ra chiều thấm thía, nhưng không hẳn là ngừng khóc. Âm thanh ấy cứ dai dẳng, liên tiếp không dứt làm cô giáo phải tiếp tục xoa dịu:
-Thế em biết em đang nói chuyện với ai không?
Hải dứt hẳn tiếng khóc. Với vẻ tò mò, Hải trả lời:
-Em không biết. Thế cô là...
-Em đang nói chuyện với một người giống như em.
Hải cố nhướng chân mày, ngước nhìn theo quán tính của mình về phía cô giáo với vẻ ngạc nhiên:
-Thế ra cô cũng bị mù như em sao?
-Đúng vậy! Và như em đã thấy cô cũng vui vẻ đấy chứ. Rồi em sẽ hiểu, thế giới khiếm thị hoàn toàn trái hẳn với những điều em nghĩ, nghĩa là vui vẻ, thoải mái và sống rất có ích cho xã hội. Sắp tới em sẽ được học chữ Braille và em sẽ thán phục người đã kỳ công phát minh ra nó.
-Ai vậy thưa cô?
-Cũng là một người mù. Ông ta tên là Louis Braille, là một con người vĩ đại đối với những người khiếm thị như chúng ta. Em thấy đấy, mù đâu phải là vô dụng nếu như ta sống có niềm tin, lý tưởng và giàu nghị lực.
Những lời cô giáo nói thật thấm thía và Hải bắt đầu hoà nhập vào cộng đồng khiếm thị nhanh chóng chỉ sau buổi học đầu tiên.
Chiều hôm đó, ba đón Hải rất đúng giờ. Khi nghe tiếng ba gọi từ xa, Hải buông tay người dẫn đường ra và chạy theo cảm nhận. Ba Hải sợ con mình té nên chạy đến ngay bên Hải và tỏ vẻ lo lắng:
-Con vẫn ổn chứ? Không có ba mẹ bên cạnh, con có khóc và sợ sệt không?
-Con không sao, ba ạ! - Hải đáp một cách mạnh mẽ.
-Thật chứ, con trai?
-Con chưa bao giớ nói dối với ba điều gì. Nhưng ba ơi, ba còn nhớ đã hứa với con một điều không?
-Ồ, rất nhiều chuyện ba đã từng hứa với con và ba đã làm nốt.
-Nhưng còn một chuyện ba đã quên…
-Ba quên ư? Có lẽ do bận bịu công việc nên ba đãng trí. Vậy con hãy nhắc cho ba nhớ đi nào.
-Ba hứa rằng khi con lớn lên ba sẽ đưa con đến trung tâm mắt để chữa trị đôi mắt cho con. Ba quên rồi sao?
Nghe con nói dứt câu, ba Hải tối sầm mặt lại. Người đàn ông 40 tuổi này dường như chưa bao giò rơi vào một trường hợp khó xử như thế này. Anh ta nói dối con mình và giờ đây đứa trẻ bắt đầu chấp vấn. Ba Hải ấp úng:
-Ba… Ba…
-Ba đã xí gạt con phải không? Con sẽ giận ba và mẹ suốt đời.
Hải giậm chân thình thịch xuống đất như muốn khóc. Ba Hải hoảng hốt, vội đỡ con lên xe vì sợ mọi người xung quanh soi mói câu chuyện giữa hai cha con:
-Ba xin lỗi nhóc. Thực sự ba chỉ muốn tốt cho con thôi, đừng khóc mà con trai.
-Con có khóc đâu mà ba bảo con phải nín. - Hải lém lỉnh trả lời.
Ba Hải quay lại, nhìn con trai mình đang nhăn răng cười với đôi mắt nhắm tịt, anh ta hiểu nó đã thông suốt mọi việc từ cô giáo. Nhìn Hải hồn nhiên, ba Hải càng thấy con mình đáng yêu hơn. Hai ba con ra về, cười nói vui vẻ giữa dòng người qua lại hối hả, ồn ào lẫn… kẹt xe. Mặc kệ cái giao thông ngột ngạt, Hải vẫn vui và ba Hải có nhiệm vụ xây dựng niềm vui cho con mình.
***
Những ngày tiếp theo ở trường, Hải đã thực sự hoà nhập với các bạn khiếm thị và giáo viên của mình. Lúc nào Hải cũng yêu đời, vui vẻ, quên mất rằng mình đã bị khiếm thị, có khi Hải còn mang theo tiếng cười của mình vào trong cả giấc mơ.
Nhìn thấy con thay đổi hẳn, ba mẹ Hải rất mừng, luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Hải quên mất cái bóng tối u ám đang đeo đẳng. Tuy nhiên, đó chỉ là một cộng đồng nhỏ nhoi trong thế giới mênh mông của xã hội mà Hải đang sống. Và Hải phải gặp biết bao sự rắc rối khi bước ra thế giới lớn. Ở cạnh con hẻm nơi Hải đang ở có đám trẻ con tinh nghịch, lúc nào khi thấy Hải xuất hiện cùng với chiếc gậy dò đường là bọn chúng reo to:
-A, thằng Hải mù kìa bọn bây ơi! Nè, đi cẩn thận nha, kẻo đạp nhầm bãi phân chó đó!
Câu nói của bọn trẻ có một phần tác động không nhỏ đến tâm lý của Hải. Lúc đầu, Hải nghĩ đó chỉ là tình huống thoáng qua, sẽ chóng vánh rơi vào quên lãng, giống như việc một đồ vật không dùng tới mẹ Hải sẽ quẳng vào sọt rác, vậy thôi.
Tuy nhiên, những lời nói kém tế nhị ấy mỗi ngày một nhiều đến nỗi Hải không thể phớt lờ được mà phải “lưu trữ” vào bộ não của mình. Hải buồn. Đó là điều tất nhiên với một con người đang tồn tại, ai cũng phải nếm trải, dù là trẻ con.
Nhưng nỗi buồn của Hải bao la quá, khát khao quá, đến độ Hải muốn ôm lấy cả trái đất này nếu có thể. Có những tối ngồi trong phòng hướng ra cửa sổ, Hải tự thoại trong lòng mình: “Hôm nay là ngày rằm, trăng rất sáng.
Ước gì mình thấy trăng nhỉ”. Đó là một mơ ước nhỏ nhoi mà Hải không bao giờ thực hiện được. Đôi tay Hải quơ qua phất lại ngay trước song cửa với niềm khát khao mãnh liệt muốn chạm được ánh trăng, muốn nhìn thấy ánh sáng, cỏ cây… Tuyệt vọng! Nước mắt Hải có phần khiêm tốn nhưng Hải vẫn khóc. Hải khóc để thoả lòng, khóc để xoa dịu nỗi đau trong lòng mình đang âm ỉ cựa quậy.
Sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Một ngày nọ, không chịu được cảnh lũ trẻ con trong xóm cứ đeo bám trêu ghẹo, Hải hét toáng lên, quẳng cây gậy dò đường rồi ù té chạy vào nhà mình như một người sáng mắt. Chạm phải cánh cửa sắt, đầu Hải sưng vù kèm theo những vệt máu đang chảy xuống má, quyện vào nước mắt. Mẹ Hải đang nấu cơm ở nhà sau, nghe tiếng khóc của con mình, vội vàng chạy lên nhà trên. Trước mặt chị là một thằng bé đáng thương đang rúc vào cánh cửa, thút thít khóc với nỗi sợ hãi tột cùng. Chị hoảng hốt:
-Trời ơi, con sao vậy nè? Nói cho mẹ nghe đi, chuyện gì đã xảy ra vậy con?
Hải lắc đầu, ôm mẹ và vẫn khóc. Chị vội dìu con lên ghế salon ngồi, sau đó đi lấy thuốc, bông gòn băng bó vết thương cho Hải. Nghe tiếng lũ trẻ hàng xóm vẫn nhao nhao ngoài hẻm với những câu mỉa mai, cười cợt, chị dường như đã hiểu ra mọi chuyện.
Từ hôm đó, Hải nhốt mình trong phòng, cửa đóng im ỉm làm cho ba mẹ Hải lo lắng đến sốt vó. Hải chẳng muốn đi học, chẳng buồn ăn, cũng không muốn làm bất cứ việc gì nữa. Mặc cho ba mẹ Hải gõ cửa liên tục, kêu rát cuống họng nhưng Hải vẫn không chịu mở. Ngày trước, những câu nói ngọt ngào của ba như một liều thuốc thần kỳ làm Hải vui lòng. Còn bây giờ, mọi lời nói đều vô tác dụng. Hải chỉ muốn im lặng để cảm nhận khát khao những âm thanh trong veo của thiên nhiên mà từ song cửa Hải có thể nghe được.
Một đêm, Hải đang ngủ thì có ai đó đánh thức dậy. Theo thói quen, Hải hướng đôi mắt của mình về phía âm thanh phát ra và hỏi xem người đó là ai. Nhưng hôm nay thì khác, Hải dùng tay dụi đôi mắt của mình rồi từ từ mở ra. Những tia nắng ban mai ấm áp, trong lành chói vào phòng ngủ làm cho đôi mắt của Hải cứ nhắm rồi lại mở liên tục.
-Hãy mở mắt ra nhìn chúng ta nè, cháu yêu! - giọng một người đàn ông lớn tuổi tha thiết nói.
Hải dường như không kiểm soát được mình, mở to đôi mắt ra.
-Ôi, mình sáng mắt thật sao? Ba mẹ ơi, con nhìn thấy rồi!
Hải đã vui mừng đết tột độ, hét to lên, không còn để tâm đến xung quanh và những người lạ mặt kia là ai. Đến khi niềm vui dịu xuống thì Hải ngơ ngác hỏi:
-Mọi người là ai? Ơ, mà sao mọi người lại nhắm mắt? Cháu giúp gì được cho mọi người?
-Chúng ta mù nên phải nhắm mắt thôi – một người trong số họ lên tiếng – Chúng ta đến đây không phải cần sự giúp đỡ mà là muốn giúp cháu thoát khỏi cảnh tăm tối của thế giới này.
-Vậy ra chính các ông đã giúp cháu nhìn thấy đường à?
-Đúng thế!
-Vậy cháu cảm ơn mọi người. Cháu tên Hải, còn mọi người tên gì ạ?
-Ta là Louis Braille. Người đứng bên tay trái của ta là bà Helen Keller, còn người đứng bên tay phải là ông Nguyển Đình Chiểu. Ta nghĩ là cháu biết cả ba chúng ta.
-Dạ, cháu biết rất rõ ạ. Ở trường, ngày nào cô giáo cũng kể cho cháu nghe về mọi người. Tuy mọi người mù nhưng đều là nhân vật nổi tiếng và có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội. Nhưng….
Hải chợt ngừng nói giữa chừng làm cả ba người bối rối:
-Nhưng sao, cháu yêu?
-Nhưng mọi người đã chết từ rất lâu, làm sao có thể trò chuyện cùng cháu? Không lẽ có một phép thuật diệu kỳ nào sao?
-Ồ không, chúng ta không có một phép thuật nào hết. Đây chỉ là một giấc mơ và chúng ta đã đi vào giấc mơ của cháu, để giúp cháu thoát khỏi một ốc đảo cô đơn, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.
-Vậy hoá ra cháu đang mơ sao? Cháu không thực sự sáng mắt sao?- Hải gào lên nức nở khi niềm vui sướng tột cùng của mình giờ đây đã tắt lịm.
-Đúng vậy, cháu đang mơ. Nhưng cháu đừng khóc nữa mà hãy nghe chúng ta nói. Không ai có thể quyết định được số phận của mình từ khi mới sinh ra: lành lặn hay khuyết tật. Tạo hoá rất công bằng, nếu cháu có nghị lực, niềm tin vào cuộc sống, chăm chỉ học tập và lao động… thì sẽ có ngày cháu đạt được những thành tựu to lớn. Còn nếu cháu lười vận động, sống ích kỷ và mặc cảm bản thân mình… thì cả đời cháu không bao giờ tìm ra hạnh phúc, tìm được sự đồng cảm của xã hội.
Ta đồng ý với cháu rằng cũng có một số thành phần khinh bỉ, coi rẻ người khuyết tật. Nhưng cháu đừng bận tâm đến họ mà hãy khẳng định mình sống có ích thông qua việc họ. Cháu hãy nhìn chúng ta đi, chúng ta cũng là những người mù, chịu sự khắc nghiệt của lối sống phong kiến lạc hậu, đón nhận rất nhiều bất công của xã hội nhưng đã cố vươn lên bằng ý chí và sự quyết tâm sắt thép.
Hải choàng tỉnh giấc. Ngoài vườn, vầng thái dương đã ló dạng, mang ánh nắng dịu nhẹ tràn vào khắp phòng. Đôi chim hót líu lo trên cành cây làm cho Hải vui tai. Những đoá hồng chớm nụ đang thò mình qua song cửa, phả vào những hương thơm ngạt ngào khiến Hải ngây ngất. Theo quán tính, Hải bước xuống giường, mở toang phòng mình và hét to lên trong niềm phấn khởi:
-Ba mẹ ơi, con đã sáng mắt rồi!
Đặng Trung Thành