Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 2.10, Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh Tây Ninh đã họp thông qua báo cáo về kết quả giám sát về “Tình hình sắp xếp hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục và trường nghề trên địa bàn tỉnh.
Ông Võ Văn Sớm- Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự còn có lãnh đạo các Sở GD&ĐT, Sở LĐTB&XH, Sở Nội vụ.
Ông Võ Văn Sớm- Trưởng Ban Văn hóa, Xã hội, HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục tiểu học thực hiện đúng tiến độ và vượt kế hoạch. Theo kế hoạch, số trường tiểu học sau khi sáp nhập lại còn 211 trường (trước khi sáp nhập là 260 trường), giảm 49 trường. Tính đến ngày 5.9.2019, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập 32 trường, hiện còn 17 trường chưa thực hiện.
Sở LĐTB&XH đã xây dựng xong dự thảo Đề án sáp nhập Trường Trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh vào Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh.
Tính đến ngày 5.9, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập 32 trường tiểu học- Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, theo Nghị định số 143 ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thì thẩm quyền chia, tách, sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp nếu là Cao đẳng nghề do Bộ LĐTB&XH xem xét quyết định; còn thẩm quyền chia, tách, sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp nếu là Trường Trung cấp do UBND tỉnh xem xét, quyết định. Vì vậy, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Bộ LĐTB&XH nhưng chưa có phản hồi. Do vậy, đến nay chưa thực hiện sáp nhập đối với 3 trường này.
Ông Võ Văn Sớm- Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh yêu cầu các đơn vị, trường học sớm hoàn tất các thủ tục để lộ trình sáp nhập được thực hiện như kế hoạch. Đảm bảo các trường sau khi sáp nhập hoạt động hiệu quả, chế độ đối với cán bộ, giáo viên, người lao động cũng được đảm bảo.
Huy Liệu