Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tốt nghiệp chính quy chuyên ngành bác sĩ đa khoa Nội – Nhi – Nhiễm (khóa 1982-1988) Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Bác sĩ Lương Thị Thuận về công tác tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Tây Ninh (Bệnh viện A2). Mặc dù còn đảm nhận thêm nhiều công tác khác, nhưng bác sĩ Thuận luôn tận tâm, gắn bó với nghề cho đến ngày về hưu (tháng 7.2020).
Bs Thuận thăm khám cho bệnh nhân hậu Covid-19.
Từ một bác sĩ điều trị, rồi Phó khoa, Trưởng khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện từ năm 2011 cho đến khi nghỉ hưu. Tâm huyết với nghề và nhu cầu của ngành y tế tỉnh nhà, bác sĩ Thuận tiếp tục được hợp đồng với vai trò bác sĩ điều trị khoa khám bệnh và chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.
Say mê nghiên cứu khoa học, bác sĩ Thuận tâm niệm muốn nâng cao tay nghề, làm chuyên môn tốt thì phải kết hợp thực tế điều trị với nghiên cứu khoa học. Bác sĩ Thuận đã có 10 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên như: Thực trạng và giải pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại tỉnh Tây Ninh (2014 – 2017); Khảo sát kiến thức thực hành bình xịt định liều của bệnh nhân Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Phòng khám Hen-COPD Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh (2018).
Đặc biệt đề tài “Nghiên cứu áp dụng phương pháp GINA 2002 trong điều trị bệnh hen phế quản tại Tây Ninh” đã triển khai ứng dụng hiệu quả, thành công nhất tại tỉnh Tây Ninh từ năm 2008 đến nay. Đồng thời được Hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh chọn làm mô hình triển khai cho các tỉnh, thành phố trong cả nước và báo cáo tại Vương quốc Anh. Đề tài được công bố trên Tạp chí của tổ chức chăm sóc hô hấp ban đầu quốc tế (IPCRG) năm 2012. Đề tài “Co thắt tâm vị ở bệnh nhi có triệu chứng hen” (ACHALASIA in an 8–Year–old boy with asthma symtoms: A case report). Được công bố trong Tạp chí của Hội Hô hấp châu Á-Thái bình Dương (APSR) năm 2012.
2 đề tài công bố trong Tạp chí y học thực hành Việt Nam gồm: “Xử trí hen phế quản theo hướng dẫn GINA 2002 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh” và “Khảo sát một số đặc điểm hen suyễn dạng khó thở tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh”.
Để làm tốt công tác nghiên cứu chuyên môn, bác sĩ Thuận dành thời gian học Cử nhân sư phạm Anh tại Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tốt nghiệp năm 2001.
Năm 2004, tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Lao và bệnh phổi tại ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2013 đến năm 2018 bác sĩ Thuận được cấp trên bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường trung cấp Y tế Tây Ninh, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Tây Ninh. Từ năm 2004, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã mời bác sĩ Thuận tham gia điều trị tại Khoa thăm dò chức năng hô hấp. Tham gia điều trị tại Trung tâm sức khỏe cộng đồng CHAC.
Sau khi về hưu, không chỉ tham gia điều trị tại khoa khám bệnh và chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, bác sĩ Thuận còn được nhiều bệnh viện mời làm cố vấn chuyên môn và tham gia điều trị; làm giảng viên Khoa y, Phó Bộ môn Điều dưỡng – Tiền lâm sàng của Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Tây Ninh nói riêng và Nam bộ nói chung, bác sĩ Thuận đã Tuyên truyền phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe trên các phương tiện truyền thông và các Facebook, Zalo, Viber, Youtube…. Vận động và nhận hàng tài trợ về trang thiết bị, vật tư y tế từ các tổ chức, cá nhân cung cấp cho tất cả 13 bệnh viện điều trị Covid tại tỉnh Tây Ninh.
Ngoài ra, bác sĩ Thuận còn tham gia nhóm chăm sóc F0 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh- “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” và kết nối với Sở Y tế Tây Ninh; vận động và nhận các nội dung hiến kế của các bác sĩ, chuyên gia y tế, người tâm huyết gửi cho ông Nguyễn Văn Nên- Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ tại TP. Hồ Chí Minh. Tập huấn online chăm sóc F0 và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho nhóm tình nguyện viên của huyện Mỹ Tú, tỉnh Trà Vinh.
Với nhiều hoạt động và kinh nghiệm của mình, vừa qua bác sĩ Thậun được mời báo cáo kinh nghiệm chăm sóc F0 tại nhà trong Hội nghị trực tuyến vùng châu Á – Thái Bình Dương.
Chia sẻ với Ngành y tế Tây Ninh, bác sĩ Thuận chia sẻ: Vấn đề quan tâm hàng đầu là sự thiếu hụt về nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp Sở và các bệnh viện. Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy sự cần thiết có kế hoạch đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao kinh nghiệm chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ trẻ kế cận để không bị hụt hẫng.
Bác sĩ Thuận luôn mong muốn tỷ lệ người mắc bệnh lao ở tỉnh Tây Ninh được giảm nhanh hơn, nhiều hơn mỗi năm; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được triển khai thực hiện ở tất cả các bệnh viện tuyến huyện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Với bề dày nghiên cứu, kết hợp với thực tiễn điều trị bệnh và những hoạt động không biết mệt mỏi, bác sĩ Lương Thị Thuận thật sự là tấm gương thực hiện lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, xứng đáng được tôn vinh.
Hương Giang