Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Đổi đời” để có một cuộc sống tốt hơn ai mà không muốn, nhưng đổi đời bằng cách… liều cả thân mình như những cô gái ham mê lấy chồng nước ngoài…

|
Các bị cáo trong một vụ án buôn người trước vành móng ngựa. (ảnh minh hoạ HTH) |
(BTN) - “Đổi đời” để có một cuộc sống tốt hơn ai mà không muốn, nhưng đổi đời bằng cách… liều cả thân mình như những cô gái ham mê lấy chồng nước ngoài chỉ vì lý do kinh tế thật khiến người ta ngán ngẩm. Chuyện không mới và những hệ luỵ từ nó mà ra không ai còn lạ gì, thế nhưng vẫn có những chị, những cô tàn cơn ảo mộng rồi vẫn chưa chịu tỉnh ngộ…
Các bị cáo trong một vụ án buôn người trước vành móng ngựa. (ảnh minh hoạ HTH)
Vừa qua, khi tham dự hai phiên toà xét xử hai vụ buôn bán người ra nước ngoài, tôi có dịp tiếp cận các nạn nhân trong hai vụ án. Họ đều là những cô gái trẻ, có ngoại hình khá, có sức khoẻ và có công việc, nhưng chính suy nghĩ “đổi đời bằng mọi giá” đã khiến họ tự đưa mình vào “bẫy săn người” đã được giăng sẵn.
Người đầu tiên tôi tiếp xúc là Thu (*), sinh năm 1984, một cô gái trẻ, xinh xắn ở huyện Châu Thành. Trước khi đi lấy chồng nước ngoài, Thu đã có gia đình và có một đứa con 5 tuổi. Hạnh phúc đổ vỡ, Thu đưa con về sống với cha mẹ ruột. Cô cũng có một công việc khá ổn định đó là làm công nhân xí nghiệp. Thấy Thu còn trẻ lại có ngoại hình, có người xui cô kiếm chồng Trung Quốc, biết đâu sẽ đổi đời, có cuộc sống sung sướng hơn! Ban đầu Thu cũng đắn đo nhưng vì ngán ngẩm cảnh đầu tắt mặt tối làm việc trong xí nghiệp, cuộc sống của gia đình vẫn còn chật vật nên cuối cùng cô đã đồng ý. Thu được giới thiệu đến một đường dây mai mối kết hôn với người Trung Quốc. Tại đây, Thu đã được bà mối vẽ ra trong đầu một viễn cảnh tốt đẹp sau khi lấy được người chồng giàu có. “Lúc đó tôi cứ nghĩ đời mình đã qua một lần đò, thôi thì ráng thêm lần thứ hai, mong có thể giúp đỡ được cho ba mẹ và lo cho con ăn học”- Thu tâm sự. Việc xem mắt, làm giấy tờ, kết hôn của Thu hoàn thành trong vòng 1 tháng. Sau khi cưới, cô dâu nhận được… 3 triệu đồng tiền vàng cưới. Ngày lên máy bay về nhà chồng, Thu hồi hộp lo lắng không biết gia cảnh nhà chồng có được như lời bà mối hay không. Và thực tế phũ phàng đã trả lời Thu, nhà chồng cô chỉ là một căn nhà nhỏ bình thường nằm ở một thôn xa. Vừa trông thấy căn nhà, Thu đã khóc, muốn quay về lập tức. Tưởng lấy chồng Trung Quốc giàu có hơn người, ngờ đâu… Ăn năn đã muộn, ván đã đóng thuyền, Thu đành cam chịu. Chồng của Thu còn trẻ. Kinh tế của cả gia đình đều trông cậy vào công việc bán bánh bao của anh ta. Hằng ngày, Thu phải thức dậy từ 4 giờ sáng cùng chồng ra chợ làm bánh bao để bán. Đến trưa thì về nhà ăn cơm rồi lại tiếp tục ra chợ bán đến khuya mới được về nhà. Lạ người, lạ ngôn ngữ, Thu suốt ngày chỉ im lặng mà làm việc. Chồng cô đối với vợ lạnh lùng, vô cảm. Làm quần quật cả ngày như vậy nhưng Thu không được giữ một đồng nào trong người. Cuộc sống của Thu đầy khổ cực, đắng cay. Lần thứ hai đi gia hạn hộ chiếu, Thu tranh thủ lúc chồng không để ý, bắt xe taxi bỏ trốn. Cô may mắn gặp được người tốt bụng giúp đỡ đưa về Việt Nam. Sau 9 tháng đi lấy chồng Trung Quốc, Thu chẳng nhận được lợi ích gì ngoài một bài học kinh nghiệm đau thương.
Trong một phiên toà khác, tôi khá ấn tượng với hai nạn nhân không có vẻ gì là bị hại! Một người là Nhung (*), 26 tuổi ở Gò Dầu. Trước khi đi lấy chồng Trung Quốc, Nhung cũng đang là công nhân xí nghiệp. Không bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình, Nhung luôn khát khao đổi đời bằng cách đi lấy chồng nước ngoài. Cô nghĩ: Rất nhiều người lấy được chồng Trung Quốc giàu có. Vậy tại sao mình lại không? Thế là Nhung chủ động liên hệ với một người quen làm nghề môi giới lấy chồng Trung Quốc. Người mà Nhung được giới thiệu là một gã đàn ông khá phong độ, theo lời bà mối thì nhà anh ta rất khá giả, có một vườn trà hẳn hoi. Tin như lời, Nhung gật đầu đồng ý. Theo chồng về Trung Quốc, Nhung mới hiểu ra sự thật không như lời bà mối tô vẽ. Vỡ mộng, Nhung liền liên hệ với bà mối để chuộc mình về. Ba mẹ Nhung phải bỏ ra 30 triệu đồng cho con gái được trở về Việt Nam. Một lần chua đủ… tởn, Nhung quyết tìm cơ hội đổi đời lần thứ hai. Lần này, sau khi hoàn tất mọi thủ tục, Nhung ra sân bay chuẩn bị đi lấy chồng nước ngoài thì vụ việc vỡ lở, do lực lượng công an ra tay ngăn chặn.
Qua ánh mắt của Nhung, tôi có thể nhìn thấy sự tiếc nuối đong đầy vì chưa thoả giấc mơ đổi đời. Thực tế, gia cảnh của Nhung không nghèo khó, cô muốn đi lấy chồng Trung Quốc chỉ để kiếm cuộc sống nhàn nhã, sung sướng hơn ở Việt Nam.
Một phụ nữ khác có cùng mục đích với Nhung là Nga, 34 tuổi, nhà ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Nhung và Nga quen biết nhau qua đợt cùng đi lấy chồng Trung Quốc. Chị Nga có việc làm với nghề may gia công tại nhà. Công việc ổn định nhưng chị thấy cuộc sống của mình sao quá vô vị. Chị nghĩ mình sẽ sung sướng hơn nhiều nếu lấy được anh chồng Trung Quốc giàu có. “Xui” cho chị mới đi lần đầu đã bị “bắt” lại!
Là bị hại trong phiên toà xét xử vụ án mua bán người nhưng cả Nhung và Nga đều không đòi phía bị cáo bồi thường bất cứ chi phí nào mà còn cho rằng: “Người ta vì giúp mình đã khổ lắm rồi”. Qua trò chuyện, có thể thấy trong lời nói của họ vẫn chứa chan… tiếc nuối: “Mình xui nên mới bị bắt chứ những người khác đi lọt, giờ gửi tiền về nhà tiêu không hết” (?).
Có lẽ không thể nói gì khác hơn- chính sự lười nhác lao động, thích hưởng thụ của một bộ phận phụ nữ có nhận thức hạn hẹp đã tiếp tay đắc lực cho tệ nạn buôn bán người, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội.
ThÙY Dương
(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi.