Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sẽ cấm chăn nuôi trong khu dân cư ?
Thứ hai: 13:09 ngày 16/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Là tỉnh nông thôn, nên chăn nuôi là ngành nghề truyền thống lâu đời của người dân Tây Ninh. Tuy nhiên với tốc độ đô thị hoá ngày càng cao, việc chăn nuôi trong khu dân cư đã không còn phù hợp.

Một trang trại nuôi gia cầm nằm cách xa khu dân cư tập trung.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Giai đoạn 2013-2018, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 7,63%. Riêng trong năm 2018, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 3.688 tỷ đồng- tăng 4,1% so với năm 2017, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 14,6%.

Năm 2019, chăn nuôi trâu giảm số lượng do diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, riêng chăn nuôi heo gặp khó khăn do dịch tả heo châu Phi, chăn nuôi bò và gia cầm phát triển ổn định. Toàn tỉnh hiện có khoảng 13.000 con trâu, 100.000 con bò; 187.055 con heo; 6,9 triệu gia cầm…

Tuy nhiên, một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị và khu dân cư. Mặc dù việc chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại thu nhập cho người dân, tận dụng được lao động nhàn rỗi, phụ phế phẩm, thức ăn thừa…

Thế nhưng, việc chăn nuôi trong khu dân cư tác động đến cộng đồng vì gây ô nhiễm môi trường, đó là chưa kể nguy cơ dịch bệnh, điển hình như dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra năm 2004, 2005. Mặt khác, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư, do không bảo đảm yếu tố an toàn sinh học, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước khi có dịch bệnh xảy ra.

Mùi hôi thối ảnh hưởng đến người dân xung quanh, và điều quan trọng là không còn phù hợp với cuộc sống ngày càng văn minh hiện nay. Các chất thải, nước thải từ chăn nuôi có thể ảnh hưởng đến không khí, nước mặt và nước ngầm. Bởi trong phân động vật có chứa nhiều chất, như: Nitrate, Phosphate, Kali, đồng, kẽm và Amoniac... Khi thải ra ngoài môi trường, những chất này bị lưu giữ trong đất, gây ô nhiễm nguồn nước.

Chăn nuôi heo theo quy mô nông hộ (ảnh minh hoạ)

Theo lãnh đạo UBND một xã ở huyện Hoà Thành, chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ trong khu dân cư hiện nay không còn phù hợp, nhất là yếu tố môi trường.  Nhiều hộ chăn nuôi heo trong khu dân cư bị phản ánh, địa phương phải xuống lập biên bản nhắc nhở khắc phục những vấn đề liên quan đến môi trường, không để việc chăn nuôi ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Thực tế, cho dù hộ chăn nuôi trong khu dân cư thường xuyên vệ sinh chuồng trại, lắp đặt biogas, vẫn không thể xử lý triệt để mùi hôi. Do đó, trong tương lai cần có quy định khu vực được phép chăn nuôi, khu vực không được phép chăn nuôi, bảo đảm đời sống người dân ngày càng văn minh hơn.

Anh Trịnh Văn Quẩn, ngụ ấp Long Thành, xã Long Thành Trung cho rằng, việc chăn nuôi gia súc trâu, bò, heo trong khu dân cư gây rất nhiều bất tiện cho các hộ dân xung quanh. Trước đây, nhà cửa không gần nhau, người dân chăn nuôi heo, trâu, bò để tăng thu nhập, không ảnh hưởng nhiều đến những người xung quanh. Tuy nhiên, hiện nay, cần phải cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư, vì đã có không ít trường hợp người dân xảy ra mâu thuẫn xuất phát từ việc này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Luật Chăn nuôi năm 2018 có quy định: “UBND cấp tỉnh trình HÐND cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi”. Vì vậy, việc ban hành một nghị quyết của HÐND tỉnh quy định về khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là rất cấp thiết.

Sở NN&PTNT cho rằng, nếu nghị quyết này được ban hành, có thể sẽ làm giảm đàn chăn nuôi của tỉnh. Trong đó số lượng trâu giảm khoảng 1.624 con; bò giảm 17.108 con; heo giảm hơn 28 ngàn con… Việc cấm chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư sẽ ảnh hưởng sinh kế của một số người chăn nuôi và có thể tác động đến nguồn thu nhập (đối với hộ chăn nuôi có lợi nhuận, chủ yếu là những hộ chăn nuôi tận dụng thức ăn dư thừa từ việc chế biến tàu hủ, hủ tiếu và nước thừa từ các hàng, quán ăn… và những người chăn nuôi trâu, bò lấy công làm lời, một số hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ có thêm nguồn thịt để cải thiện bữa ăn cho gia đình).

Ðể khắc phục tình trạng giảm đàn chăn nuôi, theo Sở NN&PTNT, nghị quyết cần đề ra mục tiêu: chuyển dịch chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung, bảo đảm an toàn sinh học; tăng cường công tác xây dựng cơ sở chăn nuôi VietGAHP, an toàn dịch bệnh; tăng cường triển khai công tác áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi; đẩy mạnh việc chăn nuôi theo chuỗi giá trị, lai tạo giống, nâng cao năng suất, sản lượng vật nuôi bù vào số lượng giảm khi thực hiện nghị quyết; chú trọng triển khai việc thu hút nguồn lực trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài nước đầu tư phát triển chăn nuôi. 

Khu vực không được phép chăn nuôi cần có tính khả thi; bảo đảm hài hoà lợi ích chung của cộng đồng, vừa thực thi pháp luật, vừa tạo điều kiện cho người chăn nuôi có thêm thu nhập chính đáng như: không cấm chăn nuôi toàn bộ tại các phường thuộc thành phố, các khu phố thuộc thị trấn mà chỉ cấm chăn nuôi tại các khu dân cư tập trung, các khu nhà liền kề, chung cư, nhà phố, khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, công sở, trụ sở các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, trường học, bệnh viện, chợ, chùa, di tích lịch sử văn hoá, nơi tôn nghiêm, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí tập trung.

Ðối với các khu dân cư không tập trung, giáp ranh các khu vực nêu trên, nếu có khoảng cách 100m trở lên được phép chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhưng phải bảo đảm an toàn sinh học và vệ sinh môi trường.

THẾ NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh