Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà:
Sẽ được phát huy tối đa tiềm năng
Thứ hai: 06:10 ngày 22/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngoài những nhiệm vụ tưới tiêu cho đồng ruộng, cung cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp, điều hoà khí hậu, chống xâm nhập mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn, sắp tới, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà sẽ được giao thêm nhiều trọng trách mới như dẫn nước vượt qua sông Vàm Cỏ Ðông, dẫn nước về TP Hồ Chí Minh và phát triển du lịch.

Tính đến nay, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà đã sử dụng được 32 năm. Công trình đã làm tròn trách nhiệm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh và các tỉnh lân cận, tuy nhiên tiềm năng của công trình còn rất lớn.

Làm thế nào khơi dậy tiềm năng này để phục vụ cho công cuộc “ích nước lợi nhà” luôn là vấn đề trăn trở của những nhà lãnh đạo. Sắp tới đây, hồ nước nhân tạo này sẽ được đầu tư và khai thác thêm nhiều tiềm năng để phục vụ lợi ích xã hội.

Các vị lãnh đạo trung ương và địa phương bàn luận về tiềm năng hồ Dầu Tiếng.

LÀM TRÒN TRÁCH NHIỆM

Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1985. Chưa kể hồ Phước Hoà trên địa bàn tỉnh Bình Phước, hồ Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có diện tích mặt nước là 270 km2 (27.000 ha), cấp nước tưới trực tiếp cho 100.000 ha đất nông nghiệp của các tỉnh Tây Ninh, Long An và TP Hồ Chí Minh; tạo nguồn nước cho vùng hạ du của sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Ðông với diện tích hơn 40.000 ha; cấp 43 mét khối nước mỗi giây cho sinh hoạt dân cư và công nghiệp trong và ngoài tỉnh Tây Ninh, tương ứng 3,7 triệu mét khối nước/ngày-đêm.

Hồ Dầu Tiếng còn là nguồn mưu sinh cho cả ngàn người dân nghèo sinh sống ven hồ qua việc đánh bắt cá. Hằng năm, Chi cục Thuỷ sản Tây Ninh, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đều thả khoảng 10 tấn cá giống với nhiều chủng loại (tương đương 1 triệu con) vào hồ nước này, nhằm cân bằng sinh thái, cải tạo nguồn lợi thuỷ sản trong hồ và giúp các ngư dân nghèo cải thiện đời sống.

Những năm qua, hồ Dầu Tiếng còn là mỏ cát “vàng” của nhiều công ty khai thác cát. Từ vài ba công ty, doanh nghiệp tư nhân, đến nay, trong công trình thuỷ lợi này đã có tới 11 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động khai thác (UBND tỉnh vừa ban hành quyết định yêu cầu các doanh nghiệp này tạm thời ngưng hoạt động để kiểm tra).

Hồ Dầu Tiếng còn là chiếc “máy làm mát tự nhiên” khổng lồ, giúp điều hoà khí hậu cho Tây Ninh và những tỉnh, thành lân cận. Ðồng thời công trình còn là nơi vui chơi giải trí, tham quan của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

THÊM NHIỀU TRỌNG TRÁCH MỚI

Còn nhiều tiềm năng nên thời gian gần đây, hồ Dầu Tiếng được một số đơn vị, doanh nghiệp nhắm tới. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân đã đồng ý đề nghị của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Sông Cầu đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp với du lịch sinh thái tại đảo Nhím trong hồ Dầu Tiếng.

Dự án được chủ đầu tư đề xuất thực hiện trên diện tích trên 285 ha, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 290 tỷ đồng. Trong đó, các hạng mục cải tạo, phục hồi lại toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng trên đảo Nhím, phục hồi cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Sau khi dự án hình thành, sẽ kết nối chuỗi du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng với Khu du lịch núi Bà Ðen bằng hệ thống cáp treo từ đỉnh núi Bà Ðen đến đảo Nhím, để phục vụ khách tham quan. 

Tiếp theo đó, ngày 12.2, đoàn công tác của Thành uỷ, UBND TP. Hồ Chí Minh do ông Ðinh La Thăng- nguyên Bí thư Thành uỷ dẫn đầu đã khảo sát công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng và hệ thống thuỷ lợi dẫn nước từ hồ đến các tỉnh, thành thuộc khu vực Ðông Nam bộ. Ông Thăng đề nghị lập ngay dự án lắp đặt đường ống dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về nhà máy nước ở TP. Hồ Chí Minh.

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà vào ngày 2.5, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cho biết, sắp tới, Tây Ninh sẽ xây dựng hệ thống thuỷ lợi dẫn nước hồ Dầu Tiếng vượt qua sông Vàm Cỏ Ðông để đưa nước về phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các cánh đồng ở bờ phía Tây. Chủ tịch kiến nghị: Dự án đa mục tiêu hồ Dầu Tiếng có từ lâu, mong Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT quan tâm, hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng hệ thống kênh dẫn nước tưới tiêu trên đồng ruộng được nhiều hơn.

Một góc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà.

CẦN CÓ DỰ ÁN ÐÁNH GIÁ TỔNG THỂ

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, hồ Dầu Tiếng là nguồn tài nguyên rất quý giá.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, hồ Dầu Tiếng là nguồn tài nguyên rất quý giá. Bộ TN&MT ủng hộ việc phát triển đa mục tiêu ở hồ Dầu Tiếng. Nhưng vì công trình này có tầm ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành nên bài toán đặt ra là quản lý công trình này thế nào? Cơ chế hợp tác giữa các địa phương, các ngành, các lĩnh vực ra sao? 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, công trình hồ Dầu Tiếng đã trải qua 32 năm hoạt động nên cần đánh giá tổng quát, bao gồm công trình đập và tất cả các công trình phụ trợ. Việc sử dụng hồ nước vào mục đích đa chức năng là cần thiết, nhưng hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để áp dụng. Công tác quản lý công trình cũng là vấn đề cần đặt ra. Theo nguyên tắc ai sử dụng nước phải trả tiền nhưng lại chưa có quy định chung về vận hành liên hồ chứa. Quy trình vận hành cũng đang là một vấn đề khó khăn do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ: “Sau 32 năm sử dụng, cơ thể của công trình đã yếu, cần một bác sĩ giỏi khám tổng quát, kê toa, chữa bệnh”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ rõ: “Ðề án đánh giá tổng quát công trình này gồm: những tồn tại, những nhu cầu mới và những thách thức. Việc khai thác cát sỏi trong hồ Dầu Tiếng cần quản lý chặt chẽ, nếu không, mỗi doanh nghiệp hút cát một chỗ, sẽ gây sạt lở bờ đập. Việc khai thác du lịch cũng hết sức quan trọng, cần nghiên cứu sâu sắc”.     

Như vậy, ngoài những nhiệm vụ tưới tiêu cho đồng ruộng, cung cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp, điều hoà khí hậu, chống xâm nhập mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn, sắp tới, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà sẽ được giao thêm nhiều trọng trách mới như dẫn nước vượt qua sông Vàm Cỏ Ðông, dẫn nước về TP Hồ Chí Minh và phát triển du lịch. Nếu những nhiệm vụ mới nêu trên trở thành hiện thực, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xã hội cho Tây Ninh và những tỉnh, thành trong khu vực.

Ðại Dương

Nếu những nhiệm vụ mới nêu trên trở thành hiện thực, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xã hội cho Tây Ninh và những tỉnh, thành trong khu vực.

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh