Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ban chỉ đạo 127 tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống buôn lậu xăng dầu, đang diễn biến phức tạp tại khu vực các huyện biên giới. Tại hội nghị này, nhiều giải pháp mang tính “cứng rắn” đã được đề xuất và thông qua.

Ngày 18.3, Ban chỉ đạo 127 (BCĐ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại) tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống buôn lậu xăng dầu, đang diễn biến phức tạp tại khu vực các huyện biên giới. Tại hội nghị này, nhiều giải pháp mang tính “cứng rắn” đã được đề xuất và thông qua. Cụ thể là: Quy định thời gian hoạt động của các cây xăng biên giới (từ 6 giờ đến 18 giờ); doanh nghiệp và hộ sản xuất khi mua xăng dầu phải được UBND xã “duyệt”; ô tô, xe tải chỉ được mua tối đa 50 lít xăng, dầu ở cây xăng biên giới; tước vĩnh viễn giấy phép kinh doanh có điều kiện đối với cây xăng vi phạm; xem xét xử lý hình sự các đối tượng buôn lậu…
Nhiều CHXD “tiếp tay” buôn lậu
Báo cáo của BCĐ 127 tỉnh cho biết, mặc dù từ ngày 24.2.2011, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đã được điều chỉnh tăng đáng kể (gần 3.000 đồng/lít xăng) nhưng hoạt động xuất lậu xăng, dầu sang Campuchia (CPC) vẫn chưa dứt. Tại các huyện biên giới, người dân địa phương và cư dân Campuchia vẫn tiếp tục mua xăng, dầu từ Tây Ninh đưa sang CPC bán để hưởng chênh lệch giá. Hiện giá bán lẻ xăng, dầu ở CPC còn cao hơn ở Việt Nam khoảng 3.000 đồng/lít. Các địa phương đang diễn ra tình trạng buôn lậu xăng dầu, khá “nóng” là các xã biên giới Tân Lập, khu vực cửa khẩu Chàng Riệc (Tân Biên); xã Tân Hà (Tân Châu); xã Biên Giới, xã Hoà Thạnh (Châu Thành). Xăng, dầu được các đối tượng mua bơm vào can nhựa hoặc túi ny lông, vận chuyển bằng xe gắn máy phân khối lớn ra tuyến biên giới. Hoạt động buôn lậu xăng, dầu của một bộ phận cư dân vùng biên được sự “tiếp tay” của một số cửa hàng xăng dầu (CHXD) trên địa bàn các xã biên giới. Nhiều CHXD lén lút bán hàng vào can nhựa, thùng phuy hoặc vật chứa khác bị cấm cho các đối tượng xuất lậu, dù họ biết rằng “đang bán cho ai”. Táo tợn hơn, có CHXD “thoả thuận ngầm” với các đối tượng buôn lậu để “cùng chia lợi”. Theo thoả thuận, mỗi lít xăng, dầu bán cho các đối tượng buôn lậu, CHXD được “chia” bình quân thêm 1.000 đồng (trước ngày 24.2.2011 là 2.000 đồng hoặc hơn). Không riêng các CHXD ở khu vực biên giới, một số cây xăng khu vực nội địa cũng “tham gia” vào hoạt động buôn lậu này.
![]() |
Chở can nhựa đi lấy “hàng“ ở khu vực biên giới |
Trong thời gian qua, BCĐ 127 tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương các xã biên giới quyết liệt áp dụng các biện pháp phòng, chống buôn lậu xăng, dầu. Bước đầu, công tác phòng, chống buôn lậu đã đạt được một số kết quả đáng kể. Tính từ đầu năm 2011 đến giữa tháng 3.2011, ngành chức năng đã kiểm tra, phát hiện 104 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, buôn lậu xăng, dầu. Trong đó, có 89 vụ vận chuyển xăng dầu lên biên giới; 9 trường hợp CHXD bán hàng sai quy định; 1 CHXD thiết kế thêm bồn chứa ngoài thiết kế được duyệt; 2 CHXD đóng cửa ngưng bán không có lý do chính đáng (có biểu hiện đầu cơ, găm hàng chờ giá tăng); 1 CHXD không niêm yết giá; 1 cửa hàng bán quá giá. Đã có 13 CHXD bị phạt hành chính (75 triệu đồng) và 2 cửa hàng bị tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (1 cửa hàng bị tạm ngừng kinh doanh 1 tháng, 1 cửa hàng tạm ngừng 3 tháng). Ngành chức năng cũng đã tịch thu 23.478 lít xăng, dầu của các đối tượng buôn lậu. Tuy nhiên, vấn nạn buôn lậu xăng, dầu vẫn đang là căn bệnh khó chữa mà hiện thời chưa có “thuốc” đặc trị. Một trong những khó khăn gây hạn chế hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu xăng, dầu là do đường biên giới dài, địa hình “thuận lợi cho hoạt động buôn lậu, bất lợi cho lực lượng phòng chống”. Dù đã nỗ lực nhưng các lực lượng chức năng “không đủ sức kiểm tra, kiểm soát cả ngày và đêm”. Trong khi đó, kinh phí, phương tiện và nhân lực còn nhiều hạn chế.
Ap dụng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ, “cứng rắn” hơn
Trước thực trạng xuất lậu xăng, dầu phức tạp hiện nay, Ban chỉ đạo 127 tỉnh đề ra một số giải pháp mang tính quyết liệt hơn. Lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các CHXD khu vực biên giới và những CHXD khu vực nội địa có biểu hiện “không bình thường”; xử lý nghiêm các vi phạm, không loại trừ việc tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Ông Đỗ Thanh Hoà- Giám đốc Sở Công thương, Phó trưởng Ban thường trực BCĐ 127 tỉnh cho biết Bộ Công thương cho phép các địa phương tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu vĩnh viễn (xoá hẳn) đối với các CHXD tái phạm, vi phạm nghiêm trọng khi tiếp tay cho buôn lậu, đã bị xử lý hành chính nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Sắp tới, Sở Công thương sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra định mức cung ứng xăng, dầu hằng tháng cho các cửa hàng xăng dầu khu vực biên giới. Song song đó, tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra các CHXD khu vực biên giới. Các cửa hàng xăng dầu khu vực biên giới phải trực tiếp ký hợp đồng đại lý với các doanh nghiệp đầu mối hoặc thông qua các tổng đại lý. Ngành chức năng cũng sẽ ban hành quy định cho phép các cây xăng biên giới chỉ được bán trực tiếp vào các phương tiện tiêu dùng, không bán vào can, phuy, dụng cụ chứa đựng khác; ô tô, xe tải chỉ được mua tối đa 50 lít xăng, dầu ở các CHXD khu vực biên giới; quy định thời gian mở cửa của cây xăng là từ 6 giờ sáng đến hết 18 giờ; trường hợp mua để sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phải “mở sổ mua bán” có sự xác nhận của UBND xã. Theo ông Đỗ Thanh Hoà, hiện nay nhiều phương tiện (ô tô tải, máy cày) đến các cửa hàng đổ xăng, dầu rồi chiết ra ngoài để xuất lậu. Do đó, để ngăn chặn tình trạng trên cần phải có hạn mức cho các phương tiện này.
Sắp tới, ngành chức năng tỉnh cũng quy định các công ty xăng dầu, các tổng đại lý xăng dầu khi cung ứng hàng cho các CHXD ở khu vực biên giới phải có hoá đơn kèm theo ngay và vận chuyển đúng thời gian quy định, nếu không sẽ bị tịch thu số xăng, dầu này. Tại các cửa hàng xăng dầu, nếu phát hiện cây xăng có đường ống dẫn ra phía sau, có trụ chứa phía sau… thì có thể lập biên bản xử lý vi phạm, không nhất thiết phải “bắt quả tang”. Nguyên nhân là các cây xăng thường bơm xăng ngược ra phía sau để chiết vào can nhựa (loại 30 lít) nên ngành chức năng rất khó phát hiện. BCĐ 127 tỉnh cũng đề nghị các lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng, Công an và các lực lượng tuyến huyện tăng cường lực lượng cơ động, lực lượng phòng, chống buôn lậu xăng, dầu ở khu vực biên giới, nhất là tại các “điểm nóng”; đối với các đối tượng buôn lậu xăng, dầu chuyên nghiệp và có tổ chức, ngành chức năng cần “mạnh tay” ngăn chặn và xử lý, kể cả xử lý hình sự.
BCĐ 127 tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện biên giới chỉ đạo UBND các xã biên giới quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp, các hộ sản xuất nông nghiệp có nhu cầu sử dụng xăng, dầu và xác nhận để các doanh nghiệp, các hộ sản xuất mở sổ mua xăng, dầu; chỉ đạo công an xã mời và cho các đối tượng tham gia buôn lậu ký cam kết không vi phạm; chính quyền và các đoàn thể các xã biên giới tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không buôn lậu...
BẢO TÂM