Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh:
Sẽ triển khai, đưa vào sử dụng chính thức app Tây Ninh Smart
Thứ năm: 10:18 ngày 03/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 2.6, Phó Chủ tịch thường trực UNBD tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tháng 6.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị

Theo báo cáo của Sở TT&TT, đến nay, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các hạng mục trong 6 tháng đầu năm theo Kế hoạch công nghệ thông tin năm 2021. Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan trong việc thẩm định và trình kế hoạch thuê nên dịch vụ thuê công nghệ thông tin chưa thực hiện được. 

Về chương trình chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 713/QĐ-UBND, Sở TT&TT đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Về dự án Camera giám sát tập trung, để tránh đầu tư trùng lắp giữa dự án tập trung của tỉnh và các dự án của địa phương, Sở TT&TT cho rà soát các vị trí lắp đặt hệ thống camera giám sát tập trung gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan (Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải) thực hiện. Đến nay, Sở đã tổng hợp, điều chỉnh các vị trí phù hợp theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị gửi về. Dự kiến hoàn chỉnh và trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trong tháng 6.2021.

Về Đề án thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại thị xã Hoà Thành, Sở TT&TT và lãnh đạo Thị xã đã thống nhất bổ sung, chỉnh sửa các nội dung trong dự thảo Đề án “Xây dựng thị xã Hoà Thành trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Dự kiến đến quý II.2021 hoàn chỉnh bổ sung, chỉnh sửa. Tại thành phố Tây Ninh, UBND Thành phố đang phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố Tây Ninh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. 

Sở TT&TT trao đổi với lãnh đạo thị xã Hoà Thành chọn một xã/phường của Hoà Thành để triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã; chọn một xã ở Hoà Thành và TP.Tây Ninh đề xuất thí điểm xây dựng làng, xã thông minh theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới quốc gia.

Liên quan đến các ứng dụng của app di động dùng chung (app Tây Ninh Smart) của tỉnh, lãnh đạo Sở TT&TT cho biết app đã tích hợp được các hệ thống: phản ánh hiện trường, hỏi đáp trực tuyến, thông tin từ chính quyền (tích hợp tin mới từ các cổng), clip tuyên truyền, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, lịch sử các hồ sơ đã nộp.

Bên cạnh đó, với tài khoản là cán bộ công chức, hệ thống sẽ có thêm: Tây Ninh-G, IOC, thông tin đất đai, họp không giấy, trao đổi trực tuyến (thay thế cho ứng dụng zalo trao đổi công việc). Qua triển khai cho nhân sự phụ trách công nghệ thông tin của các ngành, địa phương sử dụng thử nghiệm, ứng dụng hiện được công bố trên kho ứng dụng của Android và IOS.

Về chữ ký số trên thiết bị di động cơ bản ổn định. Dữ liệu tích hợp IOC tập trung của ngành Y tế và Giáo dục Đào tạo, Sở TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan thực hiện kết nối dữ liệu giữa các hệ thống của tỉnh với hệ thống của Bộ.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao ứng dụng của app Tây Ninh Smart, đề nghị Sở TT&TT tham mưu cho UBND tỉnh để triển khai cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức sử dụng; tiến tới không sử dụng mạng xã hội zalo để trao đổi công việc; đẩy mạnh triển khai cập nhật chức năng ký số bằng SIM và một số tính năng tiện ích; rà soát lại các dịch vụ công mức độ 4 đảm bảo có khả năng thực hiện.

“Hiện nay, việc khai báo y tế chủ yếu dùng trên hồ sơ giấy, Sở TT&TT chủ động phối hợp với các sở, ngành thực hiện việc quét mã QR để thuận lợi cho người dân, vừa đảm bảo chính xác, vừa tiết kiệm thời gian, tốt cho công tác phòng chống dịch”- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chỉ đạo. 

Việc hướng tới xây dựng chính quyền điện tử nhằm giúp người dân thuận tiện hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu trong thời gian tới, các ngành phải xây dựng cơ sở dữ liệu của từng ngành như dữ liệu đất đai, y tế, giáo dục, cán bộ viên chức, công nhân lao động... để có thông tin phục vụ khi cần thiết.  

Trước đó, hội nghị tập trung cho ý kiến về việc triển khai phần mềm VNPT-iLis và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại huyện Tân Biên. 

Sau khi lấy ý kiến các thành viên dự họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh kết luận, thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện việc triển khai phần mềm VNPT-iLis và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại huyện Tân Biên. Đồng thời, khuyến khích các địa phương khác có điều kiện tổ chức thực hiện để có đủ cơ sở dữ liệu, khi cần sẽ kịp thời chuyển đổi, sử dụng. 

Về phía Sở TT&TT, Sở TN&MT và VNPT- các cơ quan tham gia trực tiếp thực hiện thí điểm ứng dụng phần mềm VNPT-iLis và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại huyện Tân Châu, ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị 3 đơn vị có đánh giá kết quả triển khai thời gian vừa qua, nhất là hiệu quả trong tiết kiệm thời gian, chi phí, cơ sở dữ liệu lưu trữ. 

N.D

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục