Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời gian tới, tỉnh sẽ bố trí ngân sách duy tu, bảo dưỡng các công trình VHTT, tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hoạt động; đồng thời thực hiện chủ trương xã hội hóa khai thác cơ sở vật chất các công trình VHTT từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Sân vận động tỉnh trong một sự kiện quan trọng- Ảnh minh hoạ. |
Trước kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh, cử tri phường 3, TP.Tây Ninh có ý kiến phản ánh thực trạng các công trình văn hóa, thể thao (VHTT) của tỉnh được đầu tư tốn kém nhưng việc quản lý, sử dụng chưa tốt, để công trình nhanh xuống cấp. Cử tri đề nghị ngành chức năng quan tâm để bảo đảm sử dụng công trình được hiệu quả hơn.
Trả lời phản ánh trên, cơ quan chức năng cho biết, hầu hết các công trình VHTT của tỉnh gắn liền với sự đầu tư và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 224 thiết chế VHTT công lập, được xây dựng và đi vào hoạt động, quản lý theo từng cấp. Trong đó có 7 thiết chế VHTT cấp tỉnh; 14 thiết chế VHTT cấp huyện (9 trung tâm VHTT và 5 thư viện); 81 thiết chế VHTT cấp xã (các trung tâm VHTT và học tập cộng đồng, sân bóng đá); 122 nhà văn hóa ấp.
Riêng đối với các công trình VHTT, du lịch do Sở VHTT&DL quản lý, sử dụng, như Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh, Trung tâm thi đấu thể thao tỉnh... đã được đầu tư xây dựng từ rất lâu (khoảng gần 20 năm, có công trình trên 20 năm). Thời gian qua UBND tỉnh bố trí ngân sách sửa chữa nâng cấp một số công trình, đồng thời Sở VHTT&DL cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng quy chế bảo quản, sử dụng có hiệu quả các công trình được giao quản lý.
Hệ thống cơ sở vật chất VHTT cấp huyện do UBND cấp huyện quản lý, hầu hết cũng được xây dựng đã lâu và đang được khai thác sử dụng, phục vụ tốt các nhiệm vụ tuyên truyền chính trị ở địa phương; là nơi sinh hoạt vui chơi, giải trí, học tập của nhân dân trên các lĩnh vực VHTT và học tập cộng đồng.
Thiết chế VHTT cấp xã đa phần được xây dựng từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (22/81 trung tâm). Giai đoạn 2012 – 2015, các công trình được nâng cấp sửa chữa từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc sử dụng, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất VHTT đã được đầu tư. Sở VHTTT&DL phối hợp UBND các huyện, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động kiểm tra, khảo sát, hỗ trợ kinh phí từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để chống xuống cấp các cơ sở vật chất VHTT. Từ năm 2016, nguồn vốn từ chương trình mục tiêu về văn hóa không còn được bố trí.
Giải bóng chuyền quốc tế Cúp VTV9 Bình Điền 2017 được tổ chức tại Trung tâm Thi đấu thể thao Tây Ninh-Ảnh minh hoạ. |
Sở VHTT&DL tổ chức các đợt kiểm tra, khảo sát đánh giá công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao và đưa nội dung quản lý cơ sở vật chất văn hóa, thể thao vào thang điểm thi đua đánh giá, xếp loại hàng năm.
Để sử dụng, khai thác có hiệu quả các công trình VHTT của tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quyết định số 47/2012/QĐ-UBND ngày 22.10.2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Trung tâm VHTT và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; Quyết định số 2639/QĐ-UBND ngày 22.12.2011 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020.
Qua sơ kết, UBND tỉnh đánh giá công tác quản lý, kết quả hoạt động, làm rõ những mặt được và chưa được, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ quản lý các công trình VHTT ở từng cấp.
Sở VHTT&DL cũng sẽ lên kế hoạch khảo sát, tổng hợp các công trình văn hóa đang hoạt động đạt hiệu quả, các cơ sở vật chất xuống cấp, làm rõ vai trò trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Tỉnh cũng sẽ bố trí ngân sách duy tu, bảo dưỡng các công trình VHTT, tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hoạt động; đồng thời mời gọi tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện chủ trương xã hội hóa khai thác cơ sở vật chất các công trình VHTT từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Hoàng Thi