Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 14.5, Báo Tây Ninh có đăng bài “Rừng lịch sử Bời Lời bị xâm hại”, phản ánh tình trạng 1 hộ dân tự ý cho máy xắn đất với dốc thẳng đứng áp sát ranh hàng rào bảo vệ khu rừng lịch sử, thậm chí có dấu hiệu phá hàng rào móc đất lấn vào rừng.
Thời điểm phát hiện vụ xâm lấn trên, phóng viên còn ghi nhận trong rừng có 2 cây gỗ lim đã bị cưa gốc, dấu vết thể hiện cây mới bị cưa gần đây. Thân của một cây lim đã được mang đi, cây thứ hai chỉ còn lại phần ngọn.
Đoàn công tác kiểm tra thực trạng tại khu rừng lịch sử Bời Lời. |
Sau khi báo đăng, chiều 16.5, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Đoàn công tác gồm có đại diện Ban Quản lý các Khu di tích lịch sử Cách mạng miền Nam, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh và chính quyền xã Đôn Thuận đã đến khảo sát tại rừng Lịch sử Bời Lời (ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng).
Qua khảo sát, đoàn làm việc đã thống nhất với biên bản ghi nhận hiện trường như sau: Có 2 cây lim bị cắt, chủng loại là lim xẹt. Cây thứ nhất có đường kính gốc trung bình khoảng 35cm, vị trí cách mép đường nhựa 5m, 1/2 gốc cây đã khô, có dấu hiệu bị mối ăn, hiện tại thân cây đã không còn, theo Tổ trưởng khu di tích là cây chết.
Cây thứ hai nằm cách cây thứ nhất khoảng 20m hướng vào trong rừng và dưới một hố bom, cây có đường kính gốc trung bình 15cm, cùng chủng loại lim xẹt, hiện tại chỉ còn gốc cây, cũng theo lời của Tổ trưởng khu di tích này thì cây chết do bị sét đánh.
Về vụ việc hầm đất, hầm này được đào lấy đất làm đường vào khu di tích từ năm 2003, đoạn hàng rào cũng được tháo từ thời điểm đó để chở đất đến công trường. Có một hộ dân tiến hành đào xắn thêm đoạn ranh hầm đất với dốc thẳng đứng cách hàng rào bảo vệ rừng lịch sử 20cm, chiều dài đoạn đất bị xắn khoảng 30m.
Gốc cây lim trong khu rừng lịch sử Bời Lời được cho là chết trước khi bị cắt. |
Biên bản làm việc còn nêu rõ hướng khắc phục. Theo đó, Ban Quản lý các Khu di tích lịch sử Cách mạng miền Nam sẽ tiến hành rào chắn lại đoạn hàng rào đã tháo dỡ, không cho xe đi qua rừng ra vào hầm đất; phối hợp với chính quyền địa phương xã Đôn Thuận kiên quyết không cho tiếp tục móc phần đất còn lại sát với ranh hàng rào bảo vệ rừng lịch sử, riêng đoạn đã móc thì giữ nguyên hiện trạng.
Về hộ dân đã tự ý san lấp hầm đất mà không xin phép, ông Trần Văn Cảnh- Phó chủ tịch UBND xã Đôn Thuận cho biết, xã đã lập biên bản xử lý vụ việc đối với hộ dân này, đồng thời nhắc nhở nếu muốn thi công san lấp hầm đất thì phải xin phép theo đúng quy định.
Ông Phan Thanh Nhàn- Giám đốc Ban Quản lý các Khu di tích lịch sử Cách mạng miền Nam nêu ý kiến, “Mặc dù cây rừng lịch sử đã chết trước khi bị cắt, nhưng tự ý cho người dân vào lấy làm củi như vậy là không đúng quy định. Chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan. Rất cám ơn Báo Tây Ninh đã sớm phát hiện và phản ánh kịp thời”.
Quốc Sơn