BAOTAYNINH.VN trên Google News

Siết chặt quản lý vận tải đường thủy

Cập nhật ngày: 16/11/2013 - 06:06

Đây là yêu cầu được nhiều đại biểu đề xuất trong cuộc thảo luận tại tổ chiều nay (15.11) về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (TP Hà Nội). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đa phần các ý kiến đồng tình phải sửa luật vì thực tiễn đã có quá nhiều phát sinh so với quy định của pháp luật. Đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM), sửa luật này là cần thiết, vì tới đây ngoài giao thông thuần túy, du lịch đường thủy cũng rất phát triển. Sửa luật phải hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng con người.

Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) bức tranh về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường thủy hiện quá nhiều bất cập và buông lỏng. Sau 8 năm triển khai Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, số phương tiện cần đăng ký chỉ đạt 34% và số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61%, đây là con số rất thấp.

Còn theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), mặc dù trong Luật Giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004 đã quy định các địa phương phải dành một phần luồng lạch cho các phương tiện thủy đi lại nhưng thực tế hiện nay không có địa phương nào thực hiện.

Chỉ tính riêng năm 2013, cả nước đã xảy ra 450 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 220 người thiệt mạng.

Cũng theo ông Thường, trong nhiều dịp tham gia các đoàn giám sát về hoạt động quản lý đường thủy cho thấy: Hoạt động đường thuỷ hiện nay khai thác chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đầu tư cho lĩnh vực này của các địa phương hạn chế, chính vì tự nhiên nên công tác quản lý, phát triển của đường thủy cũng theo hướng tự nhiên.

Hiện công tác quản lý về hạ tầng luồng lạch mới đáp ứng 45% chủ yếu tập chung vào hệ thống các cảng biển được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; nhiều bến tư nhân mở bừa bãi gần như không quản nổi, ông Thường nhấn mạnh.

Trước đó, trong dự thảo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa trước Quốc hội, Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật so với Luật GTĐTNĐ năm 2004 để khắc phục bất cập.

Lý giải cho việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết: Trong thực tế, hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa không chỉ diễn ra trên luồng. Đặc biệt các phương tiện nhỏ hoạt động diễn ra khá phổ biến ở ngoài phạm vi luồng như: Khi đi trên sông rộng hoặc vào mùa lũ, phương tiện đều đi ra ngoài luồng phía giáp bờ để tránh sóng gió… Như vậy, thực tế hiện nay, hoạt động giao thông vẫn diễn ra ở vùng nước này nhưng Luật Giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004 chưa quy định.

Cả nước hiện có hơn 80.577 km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000 km có hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000 km (chiếm tỷ lệ 45%) do khó khăn về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương. Vì vậy, khi có tai nạn liên quan đến phương tiện thủy nội địa xảy ra ở ngoài phạm vi luồng (đối với các sông, kênh, rạch được tổ chức quản lý) và trên các sông, kênh, rạch chưa được tổ chức, quản lý thì các cơ quan quản lý Nhà nước gặp khó khăn trong việc xử lý, giải quyết vụ việc do khu vực này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004.

Do vậy, trong buổi thảo luận hôm nay, nhiều đại biểu đề nghị cần bổ sung vào dự thảo quy định về cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và nguyên tắc cứu hộ để có cơ sở thực hiện.

Đặc biệt, đối với kinh doanh vận tải thủy cũng cần có quy định cao hơn, nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn cho hành khách đặc biệt đối với một số phương tiện chở khách đặc thù như tàu cao tốc, tàu cánh ngầm…  

Linh Đan/Chinhphu.vn