Bão Yagi quét qua Hà Nội làm 18.000 cây xanh gãy đổ. Đáng nói là trong số này, có hàng loạt gốc cây còn nguyên bao dứa bọc rễ, trồng trong những hố nông choèn.
Cây bị bật gốc còn nguyên bao dứa xung quanh, không có rễ xuyên qua. Ảnh: Đại Việt.
Hình ảnh về những gốc cây còn nguyên bao dứa bọc quanh đã khiến dư luận bức xúc. Có người miêu tả bằng cụm từ "cháy nhà ra mặt chuột" khi bão số 3 chỉ ra việc trồng cây xanh khác thường ở Hà Nội.
Trong lúc trên mạng xuất hiện nhiều tranh cãi, một số vị được gọi là chuyên gia về cây xanh lên tiếng trên báo chí rằng “khi bọc lưới cước vào phần gốc cây, để nguyên như thế khi trồng, cây vẫn sống bình thường, ô xy vẫn vào bên trong rễ cây. Rễ cây vẫn đâm xuyên qua mắt lưới và phát triển bình thường”.
Phản bác ý kiến trên, ông Phạm Xuân Trường - nguyên cán bộ ở Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), người có thâm niên về trồng cây - cho biết nếu dùng loại lưới đúng chuyên ngành để bọc bầu cây, thì lưới này có thể tự mủn ra sau 7-12 tháng, tùy theo chất liệu đất và độ ẩm. Nhưng những cây bị bật gốc cho thấy người trồng đã dùng bao dây nhựa, bao tải dứa, nilon để bọc bầu cây, nên nếu không bỏ ra sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển. Theo ông Trường, rễ cây không thể xuyên qua bao dây nhựa, bao tải dứa.
Ông Ngô Thanh Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thành phố Thái Nguyên - cũng cho rằng theo đúng quy trình kỹ thuật, trước khi trồng phải tháo bỏ bao bầu cây, đặt cây cho cổ rễ ngang mặt đất, không nên trồng quá nông hoặc quá sâu. Nếu trồng cây xanh khi còn lưới bọc bầu, cây phát triển chậm hơn bình thường. Đặc biệt, nếu bọc bầu cây bằng tải dứa thì rễ cây rất khó đâm thủng để phát triển và bám chặt vào đất, nên dễ bị bật gốc.
“Việc bọc bầu cây chỉ dùng với những cây đang ươm trong vườn, còn những cây đã có đem trồng lâu dưới đất thì phải tháo bầu ra thì rễ mới phát triển bình thường, trừ khi dùng loại túi lưới tự huỷ” - ông Sơn nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Sơn cho biết thêm việc đào hố rất quan trọng vì ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng. Thường hố phải rộng hơn bầu đất 20-30cm, để đảm bảo đặt cây xuống nhẹ nhàng, không động gốc rễ. Nếu cây có kích thước bầu là 60 x 60 x 60 cm thì hố cần có kích thước ít nhất là 90 x 90 cm hoặc 100 x 100 cm. Ngoài ra, những cây mới trồng đều phải dùng cây chống để tránh bị gãy đổ.
Quy trình kỹ thuật trồng cây của các đơn vị chuyên trồng cây xanh đô thị như Cây xanh Đức Lộc, Vườn cây Việt Nam, Công ty Sài gòn hoa, Công ty Kiến tạo xanh vv… đều có quy định bắt buộc “trước khi trồng cây phải tháo bỏ bao bầu cây”.
Cây to còn nguyên bọc bầu và hố trồng rất nông. Ảnh: Thu Hồng.
Còn theo Công ty Xuất Nhập khẩu Nam Phát - một đơn vị chuyên sản xuất bao tải dứa - bao tải dứa là sản phẩm được làm từ hạt nhựa PP tức là Polypropylene, sản xuất từ dầu mỏ, với đặc điểm chống thấm và các hạt vi nhựa phải mất từ 100-1.000 năm để phân hủy.
Với độ bền có thể chống thấm của bao tải dứa như vậy, làm sao rễ cây có thể xuyên qua được để phát triển? Vì thế nhiều người bất ngờ khi nhiều gốc cây bị bật gốc còn nguyên bao tải dứa bọc bầu, không thấy rễ đâm xuyên qua, dù đã trồng cây vài năm.
Rõ ràng, việc trồng cây không tháo bầu là không đúng quy trình kỹ thuật, dẫn đến cây bị bật gốc dễ dàng, đã vi phạm Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị “Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn”.
Đáng nói khi đây không phải lần đầu, các cây trồng còn nguyên bọc rễ bị bật gốc do bão lộ ra. Nhà văn Tạ Duy Anh từng lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này từ chục năm trước, nhưng không được các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát. Khi cây được trồng trong đất, chẳng ai phát hiện được điều này. Nhưng cơn bão vừa qua đã lật tẩy kỹ thuật trồng cây gây nhiều tranh cãi này.
Cây đô thị ở Trung Quốc chỉ bị bão quật gãy cành chứ không bật gốc, cũng không có cây nào bật gốc còn nguyên bầu. (Ảnh trên mạng xã hội)
Có người nói rằng trước sức tàn phá của siêu bão, cây xanh nào cũng có thể bị đổ. Tuy nhiên, nếu xem các hình ảnh mà siêu bão Yagi càn quét qua Trung Quốc (mạnh hơn khi đến Việt Nam), thì sẽ thấy đa số cây của họ chỉ bị gãy cành. Và trong số ít những cây bị bật gốc, không hề thấy gốc bị bọc bầu như ở Hà Nội.
Và so sánh sẽ thấy, trong đợt bão vừa qua, nhiều cây cổ thụ trồng lâu năm không bị bật gốc vì rễ cái đã cắm sâu vào lòng đất. Cây bật gốc chủ yếu là các loại được trồng trong những năm gần đây, trong số này có nhiều cây có gốc được bọc bằng bao tải dứa khiến rễ không thể bám vào đất.
Những chia sẻ của người có kinh nghiệm về trồng cây cho thấy bên cạnh thiên tai, việc trồng cây không đúng kỹ thuật cũng là nguyên nhân khiến cây xanh bật gốc. Do đó, cùng với việc dồn sức khắc phục hậu quả, cơ quan chức năng cần đánh giá cách trồng cây xanh ở Hà Nội để giải đáp thắc mắc của người dân. Nếu kỹ thuật này không đúng, cần có biện pháp xử lý đơn vị làm việc cẩu thả, gây thiệt hại cho ngân sách, khiến dư luận bức xúc.
Nguồn viettimes