Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ẩm thực Tây Ninh trở nên độc đáo, đặc trưng vì đây là sản phẩm của môi trường tự nhiên và con người “vùng đất thánh” cần cù, thân thiện và nhiệt thành. Các sản phẩm tinh tế, công phu trong cách chế biến, thể hiện rõ qua thực đơn hằng ngày và lễ vật cúng trong các dịp lễ, tết…
Sinh thái “vùng đất thánh”
Thạc sĩ Trần Thị Bích Thuỷ- Phân viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh nhận định, gọi Tây Ninh là “vùng đất thánh” bởi nơi đây ẩn chứa nhiều yếu tố tâm linh, huyền bí, huyền thoại. Kiến tạo nên sự huyền bí ấy là do các yếu tố tự nhiên như địa hình rừng núi, khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù... và yếu tố con người (sự đa dạng văn hoá của nhiều tộc người Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, Tà mun…). Chính sự đa dạng tộc người đã làm cho bức tranh tín ngưỡng, tôn giáo ở Tây Ninh trở nên đa sắc với nhiều đình, miếu, dinh, am, chùa Phật của người Việt, chùa Phật giáo Tiểu thừa của người Khmer, nhà thờ Công giáo, Tin Lành, thánh thất Cao Đài, thánh đường Hồi giáo (Islam)...
Ở Tây Ninh có một số loại rượu ngon nổi tiếng và trở thành đặc sản của tỉnh như rượu mãng cầu, rượu sung... đây là các loại rượu và được đặt tên từ chính sản vật đặc trưng của tỉnh. Một số loại rượu khác được nấu bằng các loại gạo, mì, đậu nành... với bí quyết vo gạo, ủ men, ủ kín, chưng cất truyền thống riêng đã tạo nên những thương hiệu rượu nổi tiếng như Trây Bây, Truông Mít, Bến Cầu... Không chỉ rượu, người dân ở Tây Ninh còn chế biến ra các loại nước uống từ trái cây như nước thốt nốt, sữa đậu nành, đậu phộng...
Có thể nói núi Bà Đen và thánh thất Cao Đài đã trở thành điểm nhấn tâm linh của Tây Ninh nói riêng và Nam bộ nói chung. Núi Bà Đen được xem là nóc nhà Nam bộ với chiều cao 986m so với mực nước biển, là nơi hội tụ linh khí đất trời, với những truyền thuyết linh thiêng huyền bí về Bà Đen.
Nơi đây là biểu tượng văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo nổi bật của Tây Ninh; trở thành chỗ dựa tâm linh vững chắc, là niềm tự hào của người dân Tây Ninh nói riêng và Nam bộ nói chung. Tây Ninh là nơi khai đạo Cao Đài và “Cao Đài Tây Ninh là tổ chức Cao Đài đầu tiên tiếp nhận Tân luật, Pháp Chánh truyền xây dựng Toà thánh Tây Ninh và kiến trúc hạ tầng, xây dựng hệ thống bộ máy tổ chức hành chính đạo từ Trung ương đến cơ sở. Trong quá trình phát triển, với yếu tố là nơi tổ chức lễ khai đạo thành lập đạo Cao Đài, Cao Đài Tây Ninh luôn giữ đúng theo chân truyền về giáo lý, luật lệ, lễ nghi. Hệ thống tổ chức hành chính đạo đa dạng, chặt chẽ từ Hội thánh đến họ đạo, có cơ quan giám sát các hoạt động tôn giáo và các cơ quan phục vụ hoạt động thiện nguyện đối với cộng đồng...”. Hằng năm có hàng ngàn tín đồ trong và ngoài tỉnh đến lễ viếng, bởi đây được coi là đền thánh, thánh địa của đạo Cao Đài. Riêng ở Tây Ninh, có 399.532 tín đồ- nhiều nhất cả nước. Văn hoá ẩm thực của tỉnh Tây Ninh đặc sắc vì đã hội tụ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, con người, tôn giáo tín ngưỡng... với hệ giá trị chung đặc thù của “vùng đất thánh”.
Món rau rừng không thể thiếu với ẩm thực bánh tráng cuốn.
Văn hoá ẩm thực Tây Ninh
Cũng theo ThS. Trần Thị Bích Thuỷ, ẩm thực của Tây Ninh rất đa dạng và phong phú từ những sản vật của hệ sinh thái “vùng đất thánh”. Nói đến đặc sản ẩm thực của Tây Ninh thì không thể bỏ qua bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương, muối tôm Tây Ninh... đây là những món ăn rất nổi tiếng, đặc trưng của vùng. Người dân Tây Ninh còn tự hào về những món ăn dân dã nhưng cực kỳ ngon, thường có trong bữa cơm của các gia đình như canh chua cá nấu hoa/bắp chuối, gà nấu lá giang hoa chuối, khô cá (lóc, cá tra...), gà rang muối tôm/muối ớt, gỏi hoa chuối, rau móp/mốp muối chua, rau rừng hoặc các loại rau mọc ven sông ven suối chấm mắm cá đồng, măng kho, măng hầm... Đây chính là sự sáng tạo, tận dụng tự nhiên của cư dân Tây Ninh.
Hệ sinh thái đa dạng đã cung cấp cho Tây Ninh rất nhiều loại động thực vật. Trước hết là phải nói đến các loại rau rừng, các loại rau ven sông, ven suối... vì trong quá trình sinh sống, cư dân phải thích nghi và đã có kinh nghiệm sử dụng các loại rau rừng để tránh bị ngộ độc: “Khi vào rừng, họ thường tìm hái các loại đọt lá có sắc tố đỏ hay nâu để ăn vì hầu hết đó là rau lành (nhất là loại lá nhỏ, sắc nâu đỏ... là loại nguyên sinh, thường có vị ngọt hơn), còn cây có đọt lá màu trắng, màu xanh thì chừa ra vì phần lớn có độc, không ăn được”.
Sau đó, họ chọn món ăn thích hợp với từng loại rau đó, dần dà trở thành những món ăn đi kèm với nhau tạo nên hương vị độc đáo, nếu thiếu thì món ăn trở nên vô vị, ví dụ như bánh tráng Trảng Bàng với rau rừng và rau nhà gồm: trâm ổi, lộc vừng, đọt kim cang, lá cóc, lá bứa, lá hẹ, tía tô, húng quế, húng lủi, ngò tàu, quế vị/xá xị, rau sao nhái, đọt xoài non... cùng thịt heo luộc, đồ chua chấm với nước mắm pha chua ngọt. Các loại rau ấy không chỉ tạo ra hương vị độc đáo cho món ăn mà còn có thể giúp nhuận tràng, chữa bệnh, giải nhiệt.
Cũng có nhiều người cho rằng ẩm thực chay ở Tây Ninh phổ biến, phát triển và trở thành văn hoá ẩm thực bởi vì đây là thánh địa của đạo Cao Đài, là nơi Phật giáo phát triển nên tín đồ ăn chay rất nhiều.
Bò tơ Tây Ninh- một “thương hiệu” ẩm thực đặc sắc.
Vậy phải chăng do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây trồng, các loại rau rừng, cây trái, xa biển lại nắng nóng nên người ta chọn ăn rau củ quả cho mát, điều hoà âm dương, dần dà thấy tốt cho sức khoẻ nên họ tiến đến ăn chay chứ không phải do tôn giáo quyết định? Theo chúng tôi, yếu tố tự nhiên có vai trò quan trọng, nhưng văn hoá thể hiện qua tri thức đã giúp con người thích nghi với môi trường; hơn nữa, đối với vùng đất được cho là “thánh địa” của một tôn giáo, là chỗ dựa tâm linh trong tín ngưỡng dân gian của một vùng, nhiều tín đồ Phật giáo thì yếu tố con người, yếu tố văn hoá rất quan trọng. Vì vậy, hai quan điểm này bổ sung cho nhau thì sẽ có cái nhìn toàn diện hơn.
Khi các món ăn trở nên quen thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, dần trở thành đặc sản thì nhu cầu gìn giữ và phát triển các món ăn ấy là điều tất yếu. Từ đó, các làng nghề đó hình thành và phát triển như nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, nghề làm bánh canh, nghề hái và trồng rau rừng, nghề làm muối tôm/muối ớt, nghề nấu rượu trái cây...
Khi trở thành văn hoá đặc trưng của vùng, các món ăn trở thành đặc sản, một số làng nghề đã thành di sản vì vậy cộng đồng và chính quyền địa phương cùng chung tay giữ gìn và phát huy bằng cách: nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước và tự nguyện của cộng đồng về du lịch kết hợp ẩm thực, tăng cường các lễ hội ẩm thực, xây dựng các tuyến chợ ẩm thực và thiết kế các chuyến du lịch ẩm thực, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến ẩm thực Việt Nam. Điều này không chỉ đem lại lợi nhuận cho cộng đồng, địa phương mà còn làm cho văn hoá ẩm thực nơi đây càng độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng.
Đức An
Tây Ninh có hệ sinh thái phong phú với rừng, và sông hồ nên hệ động vật cũng rất đa dạng. Cư dân nơi đây cũng sáng tạo ra nhiều món ăn độc đáo và trở thành đặc sản như gà rừng/thả vườn nấu chuối (nhất là chuối rừng), cá nấu canh chua chuối rừng, gà rang muối tôm/muối ớt, ốc núi Bà, bò tơ Tây Ninh, mắm chua Tây Ninh, các loại khô từ cá... đây là những món ăn sử dụng khá nhiều nguyên liệu tự nhiên.