Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Số cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch COVID-19 quá lớn
Thứ ba: 09:08 ngày 30/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nêu hàng loạt vấn đề trong quản lý, huy động và sử dụng nguồn lực với mong muốn nếu có những đại dịch thì chúng ta sẽ đối phó được tốt hơn, bảo vệ người dân, bớt người chết...

Ngày 29-5, trong phần thảo luận tại nghị trường Quốc hội về công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) có 5 phút phát biểu đề cập đến nhiều vấn đề cùng bài học trong trường hợp dịch bệnh tương tự như dịch COVID-19 xảy ra.

Đại biểu Phong Lan nói: Trong việc huy động nguồn lực, chúng ta rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, người dân có tấm lòng vàng, muốn đóng góp nhưng cũng không dễ. Khi TP.HCM còn là tâm dịch, chúng tôi chia sẻ rất thật là muốn đóng góp thì hãy đóng góp bằng hiện vật, đừng đóng góp bằng tiền, chúng tôi không xài được. Tất cả dự đoán đó đã thành sự thật khi sau này hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra. Cho nên phần nào chúng ta đã tự làm khó mình.

Về quản lý nguồn lực, chúng ta cũng chưa phân biệt được việc dịch bệnh chưa gặp lần nào với chuyện xảy ra trong đời thường. Đơn cử, với vaccine phòng, chống dịch COVID-19 thì những quy định chồng chéo như vậy liệu có mua được không? May thay, chúng ta có vaccine ngoại giao (được hiểu là đi xin) và nguồn vaccine mà một công ty tư nhân thương thảo và ký được hợp đồng. Nhưng không phải lúc nào cũng may mắn như vậy. Chúng ta phải làm thế nào để những nguồn lực được sử dụng một cách chính thức?

Thế thì vướng ở đâu? Chính là vướng ở cơ chế đấu thầu. Khi thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng chưa thấy có giải pháp nào để gỡ rối về vấn đề này. Và nếu dịch bệnh xảy ra một lần nữa, chúng ta vẫn tiếp tục thiếu thuốc, trang thiết bị, vaccine...

Chúng ta có nhiều điểm nghẽn trong việc sử dụng các nguồn lực, trong đó có những chính sách vô lý. Lúc tất cả đang thiếu vaccine, rồi báo chí nói chuyện “ông nội, ông ngoại” can thiệp để tìm được vaccine thì chúng ta lại không cho phép tiêm dịch vụ để bớt gánh nặng cho bên công lập.

Giữa lúc cả cộng đồng đang sục sôi việc thiếu thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir thì Bộ Y tế lại rất chậm trễ cấp số đăng ký cho những thuốc này dẫn đến tình trạng mua bán ngoài vòng pháp luật, mua trên mạng, đẩy giá, gây thiệt hại cho người dân.

Tôi đồng ý tiêu cực là phải chống nhưng chúng ta đã quan tâm một cách đúng mức đến việc xây dựng, bồi bổ, làm sao để ngành y tế mạnh hơn, để chống dịch ngay lúc đó và sau này hay chưa? Phần xây chúng ta làm rất chậm...

Một điều nữa là công cuộc phòng, chống dịch của chúng ta thu được rất nhiều thành công, được thế giới ghi nhận nhưng tôi thấy thế này: Ngày xưa chiến thắng về chúng ta mừng công, còn bây giờ chúng ta phải trảm tướng, thay tướng vì những sai phạm. Tôi cho rằng đó là thất bại. Với hệ thống ngành y tế, số cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch này quá lớn.

Do vậy, từ việc giám sát đến ra báo cáo, phải làm sao để sau này, nếu có những đại dịch thì chúng ta sẽ đối phó được tốt hơn, bảo vệ người dân, bớt người chết. Nếu e dè, làm khó mình như thế này, tôi lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu dịch bệnh quay lại.

Cần xây dựng nền y tế và có cơ chế bảo vệ cho những người làm nghề y, toàn bộ công tác chúng ta từ giám sát đến ra báo cáo phải làm sao đi vào thực tế. Trong tương lai nếu dịch bệnh quay lại, ta ứng phó tốt hơn, bảo vệ người dân bớt người chết nhưng nếu ta cứ e dè, sợ hãi, tự làm khó mình thì tôi lo sợ không biết chuyện gì xảy ra khi dịch bệnh quay lại...

Tôi cũng trong đoàn giám sát, cũng trong tâm dịch. Đoàn giám sát đến địa phương chứng kiến rất nhiều người rơi nước mắt... Nhóm PV ghi

Nguồn PLO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục