BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở Công thương: Toạ đàm về việc cải thiện Chỉ số PEII

Cập nhật ngày: 06/07/2011 - 10:20

(BTNO) - Sáng 6.7, Sở Công thương Tây Ninh tổ chức buổi toạ đàm về những vấn đề liên quan đến việc xếp hạng Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương (PEII) năm 2010 do Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế Quốc tế (NCIEC) - Bộ Công Thương công bố hồi tháng 3.2011 tại Hà Nội.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi toạ đàm

Tại buổi toạ đàm, ông Phạm Văn Quan – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, Báo cáo PEII năm 2010 là kết quả dự án nghiên cứu của Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế do Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAID) và Bộ phát triển Quốc tế Anh (DFID) tài trợ thông qua Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (BWTO).

Mục tiêu chính của báo cáo là nhằm xác định được mức độ HNKTQT của mỗi địa phương trong tổng thể nền kinh tế hội nhập. Cụ thể hơn, đó là những tác động của hội nhập đến việc tăng trưởng phúc lợi cho người dân và phát triển kinh doanh doanh nghiệp. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đánh giá sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương đối với năng lực hội nhập hiện tại để chỉ ra các điều chỉnh cần thiết cho việc thu hút nguồn lực phục vụ cho việc phát triển bền vững.

Theo các tác giả của báo cáo, chỉ số PEII có nhiều điểm khác biệt với chỉ số PCI (Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Nếu như chỉ số PCI cho thấy năng lực điều hành kinh tế cấp tỉnh với các chính sách của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế của các doanh nghiệp thì chỉ số PEII cho thấy mối quan hệ giữa điều hành kinh tế, phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân.

Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình chỉ số hội nhập trong khu vực và một số nền kinh tế, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một mô hình chỉ số riêng: Chỉ số hội nhập kinh tế cấp địa phương. Theo đó gồm 8 trụ cột chính: Thể chế, cơ sở hạ tầng, văn hoá, đặc điểm tự nhiên địa phương, con người, thương mại, đầu tư, du lịch.

Báo cáo PEII 2010 nêu rõ là “không xếp hạng, không vinh danh” nhưng thực tế có xếp thứ tự theo tổng điểm của từng địa phương. Tây Ninh xếp gần cuối, đứng thứ 43/50 với 27 điểm, nằm trong nhóm có Chỉ số PEII kém. Báo cáo cũng đã công bố cụ thể điểm đạt được của từng trụ cột trong 8 trụ cột được khảo sát. Xếp hạng chi tiết của Tây Ninh như sau: Thương mại 27/50; Đầu tư 50/50; Du lịch 38/50; Con người 15/50; Cơ sở hạ tầng 24/50; Văn hoá 39/50; Đặc điểm địa phương 44/50; Thế chế 21/50.

Tây Ninh nằm trong nhóm có chỉ số PEII thấp

Ông Phạm Văn Quan nhấn mạnh, việc tổ chức buổi toạ đàm nhằm đánh giá việc xếp hạng của Uỷ ban NCIEC – Bộ Công Thương đã thật sự phù hợp với thực tế địa phương hay không? Và vấn đề quan trọng nhất là tìm kiếm những giải pháp để tham mưu cho UBND tỉnh trong việc cải thiện kết quả xếp hạng PEII cho những năm tiếp theo.

Các đại biểu tham dự buổi toạ đàm đã đóng góp nhiều ý kiến nhưng đều thống nhất rằng, để xác định được lý do vì sao Tây Ninh có thứ hạng PEII quá thấp như vậy cần phải nắm được đầy đủ thông tin nhóm tác giả thực hiện Báo cáo PEII 2010 đã dựa trên những tiêu chí nào để “cho điểm” 8 trụ cột. Các đại biểu đề xuất, Sở Công thương cần tham mưu cho UBND tỉnh mời Uỷ ban NCIEC – Bộ Công Thương cùng với nhóm tác giả đến Tây Ninh tổ chức một cuộc hội thảo chuyên đề về chỉ số PEII, từ đó mới có thể đưa ra những giải pháp khả thi để cải thiện chỉ số này.

Đ. Hoàng Thái