BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở Công Thương: Trình diễn mô hình dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu

Cập nhật ngày: 16/12/2012 - 11:06

(BTNO)- Vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp (Sở Công Thương) phối hợp Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh tổ chức Hội nghị trình diễn mô hình kỹ thuật dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại nhà máy gạo xuất khẩu Tây Ninh (ấp Bến, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu). Hoạt động này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm việc ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, xay xát lúa gạo.

Mô hình kỹ thuật dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại nhà máy gạo xuất khẩu Tây Ninh

Các đại biểu đã được tham quan thực tế mô hình kỹ thuật dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại nhà máy trước khi nghe ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Trung tâm Khuyến công báo cáo tóm tắt Đề án Khuyến công quốc gia về “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu”; ông Phạm Văn Sơn – Giám đốc nhà máy gạo xuất khẩu báo cáo tóm tắt về Dự án đầu tư Nhà máy gạo xuất khẩu Tây Ninh; ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc Sở KH&CN thuyết trình kỹ thuật về dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án xây dựng dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu trị giá hơn 37,4 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công quốc gia là 250 triệu đồng và nguồn vốn công ty hơn 37,181 tỷ đồng.

Về quy trình sản xuất gạo xuất khẩu, ông Hùng cho biết, lúa khô hoặc lúa ướt được vận chuyển bằng đường thuỷ đến nhà máy tại bến thuỷ nội địa qua băng tải cầu tàu lên băng tải, hoặc vận chuyển bằng đường bộ đến nhà máy lên băng tải, tải đến sàn tạp chất để tách tạp chất như rác, dây, giấy, kim loại, bụi… rồi qua cân. Đối với lúa khô sẽ đươc đến thùng nguyên liệu lúa khô hoặc vào kho chứa lúa. Đối với lúa ướt sẽ được đưa đến dàn sấy lúa. Khi sấy, lúa ướt đạt độ ẩm (14% - 16%) sẽ chuyển qua cân đến thùng nguyên liệu lúa khô hoặc vào kho chứa lúa. Lúa khô từ thùng nguyên liệu đến máy tách vỏ lúa cho ra gạo lức nguyên liệu và trấu. Trấu được quạt gió thổi ra ngoài còn gạo lức được tải đến máy xát trắng để tách cám. Khi xát trắng đạt yêu cầu thì được tải qua máy tách thóc đến máy đánh bóng. Trong công đoạn đánh bóng gạo có sử dụng nước phun sương. Quá trình này không phát sinh nước thải sản xuất…

Hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín, các công đoạn có khả năng phát sinh ô nhiễm đều được thiết kế bao bọc xung quanh và hạn chế tối thiểu ô nhiễm môi trường. Mức độ tự động hoá cao, đạt 80% trở lên. Mức độ hao hụt, tiêu hao nhiên liệu và năng lượng thấp. Chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thuý Trinh