BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTG: Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính ở cơ sở chưa ổn định

Cập nhật ngày: 17/08/2014 - 05:42

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng chủ trì cuộc họp. Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Rộng – Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, cùng sự tham dự đại diện các sở, ngành và lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh cùng các huyện trong tỉnh.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Tây Ninh.

Theo Bộ Tư pháp, tính đến tháng 12.2013, việc chuyển giao, tiếp nhận  nhiệm vụ, tổ chức, biên chế hành chính và các điều kiện về tài chính, trang thiết bị, tài sản, hồ sơ, tài liệu có liên quan từ Văn phòng Bộ, cơ quan, Văn phòng UBND tỉnh, thành phố về Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tại 24 bộ, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành, giúp ổn định tổ chức, hạn chế tình trạng gián đoạn trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính.

Hầu hết các tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp sau khi nhận chức năng, nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính đã phát huy vai trò tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiếm soát thủ tục hành chính.

Tuy nhiên hiện vẫn còn một số bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhân sự thực tế của phòng Kiểm soát thủ tuc hành chính thuộc tổ chức pháp chế và Sở Tư pháp còn quá mỏng, thậm chí có nơi không bố trí được nhân sự chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ này dẫn đến chất lượng tham mưu triển khai thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế, kết quả không cao.  Do đó Bộ Tư pháp đề xuất và kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, bổ sung biên chế cho phòng Kiểm soát thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo hiệu quả công việc.

Đối với công tác kiểm soát thủ tục hành chính 6 tháng đầu năm 2014, ngoài những kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra nguyên nhân chính của những  hạn chế trong việc kiểm soát thủ tục hành chính 6 tháng qua, như việc tham mưu, tổ chức thực hiện phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành chưa quyết liệt; nhiều đơn vị chủ trì soạn thảo chưa thực hiện, hoặc thực hiện còn hình thức việc đánh giá tác động và lấy ý kiến đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính; vẫn tồn tại tình trạng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính quá hạn, không đúng quy định…

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cho biết sẽ thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát thủ tục hành chính ngay từ khâu dự thảo để đảm bảo nguyên tắc chỉ duy trì và banh hành những thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất; thực hiện nghiêm việc niêm yết, công bố, công khai thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức triển khai đề án thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; triển khai đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính, đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, ngay sau khi được thủ tướng phê duyệt…

Từ những khó khăn, vướng mắc qua 1 năm thực hiện Chỉ thị 15/ CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tây Ninh có những kiến nghị: đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính chưa được đào tạo chuyên sâu; đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm soát thủ tục hành chính cho địa phương; kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính ở địa phương là giao cho Sở Tư pháp, để giúp địa phương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các quy định ở địa phương trong việc phân công chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn cấp tỉnh theo quy định…

Thiên Tâm