Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 15.11, Sở Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Sở và trực tuyến đối với cấp huyện, cấp xã.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại Sở Nội vụ
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe phổ biến một số điểm mới, đáng lưu ý của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14.8.2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ngoài ra, các đại biểu tham gia trao đổi thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Luật.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2023, gồm 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Ông Lê Long Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu tại hội nghị
Luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật cũng quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.
Thiên Di