BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở TN- MT: Trả lời cử tri một số vấn đề liên quan đến môi trường

Cập nhật ngày: 15/12/2011 - 12:12

Bài liên quan:

>> Sở TN-MT: Trả lời kiến nghị cử tri một số vấn đề liên quan đến đất đai

>> Sở TN-MT: Trả lời cử tri một số kiến nghị trên lĩnh vực tài nguyên

 

 

 

 

 

(BTNO) - Cử tri các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Trảng Bàng đề nghị ngành chức năng kiểm tra, xử lý một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động gây ổ nhiễm môi trường như: Công ty TNHH Thành Lễ, Công ty CP cao su Tây Ninh, Nhà máy luyện cán thép Ngọc Tâm, Công ty TNHH Trường Lợi. Đồng thời, cử tri kiến nghị cần xử lý kiên quyết hơn việc hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường của các công ty, xí nghiệp chứ không chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra mà tình trạng ổ nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra nghiêm trọng.  

Trả lời ý kiến của cử tri, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Trần Văn Chiến đã liệt kê cụ thể từng trường hợp mà cử tri nêu. Nhà máy chế biến cao su thuộc Công ty TNHH Thành Lễ (ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện DMC) được Sở TN- MT cấp phiếu xác nhận Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường số 60/STNMT-MTg ngày 02.10.2003 cho dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su cốm SVR-3L. Hiện Công ty hoạt động với công suất khoảng 6.000 tấn sản phẩm/ năm (tăng công suất gấp đôi so với Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được phê duyệt từ 10 tấn sản phẩm/ ngày tăng lên 20 tấn sản phẩm/ ngày).

Công ty đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải với công suất 1.000 m3/ ngày và đã được Sở TN-MT kiểm tra, xác nhận, và được UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy phép khai thác nước dưới đất với lưu lượng 900 m3/ngày – đêm. Công ty cũng đã lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn nước thải nguy hại trình Sở TN- MT thẩm định. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số tồn tại như: chưa lắp đặt hệ thống thu gom và xử lý khí thải tại lò sấy, chưa thực hiện chương trình giám sát môi trường và kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Công ty cũng đã hai lần bị xử phạt. Ngày 02.3.2005, Thanh tra Sở TN_ MT xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật môi trường đối với công ty, tổng số tiền phạt là 10 triệu đồng. Ngày 31.12.2008, UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối với công ty, tổng số tiền phạt là 54,5 triệu đồng.

Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Chiến trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và cử tri tại Kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh, từ ngày 7.12 - 9.12.2011

Đối với Nhà máy chế biến cao su Vên Vên thuộc Công ty CP cao su Tây Ninh, được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường vào tháng 9.1997 và được Sở TN- MT phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường cho dự án mở rộng xưởng chế biến mủ cao su latex tháng 12.2009. Hiện tại, công ty đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải cho Nhà máy chế biến cao su Vên Vên và đã được Sở TN- MT kiểm tra, xác nhận, nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 5945:1995 (cột B) trước khi xả ra môi trường.

Tuy nhiên, nhằm thực hiện Quyết định số 187/QĐ-TTg ngày 03.12.2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”, trong đó, mục tiêu cụ thể là “bảo vệ môi trường nước hệ thống sông Đồng Nai đạt tiêu chuẩn loại A, bảo đảm mục đích phục vụ việc cấp nước sinh hoạt”; do đó, ngày 14.10.2011, Sở TN- MT có công văn đề nghị Công ty CP cao su Tây Ninh tiếp tục nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy chế biến cao su Vên Vên để nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp chế biến cao su thiên nhiên QCVN 01:2008:BTNMT (cột A) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 24:2009/BTNMT (cột A) trước khi xả ra sông Vàm Cỏ Đông. Hiện Công ty đang triển khai thực hiện.

Nhà máy luyện cán thép thuộc DNTN Ngọc Tâm (ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) được Sở KH-CN&MT xác nhận Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường sớ 92/PXN-KCM ngày 20.02.2003 với công suất 01 lò luyện (hiện tại hoạt động với 04 lò luyện).

Ngày 09.11.2011, Sở TN- MT đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra thực tế tình hình chấp hành Luật Bảo vệ Môi trường và Tài nguyên nước tại Nhà máy luyện cán thép thuộc DN. Kết quả, nước thải phát sinh từ quá trình làm mát máy với lưu lượng khoảng 100 m3/ngày – đêm được chứa trong ao không chống thấm và được sử dụng tuần hoàn, có lắp đặt hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ công đoạn luyện thép nhưng chưa lập hồ sơ trình Sở TN-MT kiểm tra, xác nhận theo đúng quy định. DN đã được Sở TN-MT cấp Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại mã số 72000078.T ngày 31.3.2010 và có hợp đồng với Công ty CP Môi trường xanh thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nguy hại nhưng vấn đề quản lý và xử lý chất thải rắn chưa đúng quy định. DN sử dụng 04 giếng khoan dùng để sinh hoạt và sản xuất nhưng chưa lập hồ sơ đăng ký giấy phép khai thác và sử dụng nước dưới đất, chưa đăng ký giấy phép xả thải vào nguồn nước, kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Với những vi phạm như trên, Thanh tra Sở TN- MT đã lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính đối với DN. Mặt khác do nhà máy thuộc DN nằm trong Quyết định số 1129/QĐ-UBND ngày 12.6.2009 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường 2009 nhưng đến nay DN vẫn chưa triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường. Do đó, Sở TN- MT đang tổng hợp hồ sơ kiến nghị UBND tỉnh đình chỉ hoạt động nhà máy thuộc DN.

Đối với Nhà máy xử lý phế liệu rắn thuộc Công ty TNHH Trường Lợi (ấp Phước Hoà, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu). Nhà máy này đã UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đi vào hoạt động từ tháng 6.2011 với quy trình công nghệ sản xuất: Nguyên liệu à lò đốt à thành phẩm (dầu + sỉ than + sắt vụn) à bể chứa dầu à bồn chứa bột than à kho chứa thép sắt vụn. Công suất hiện tại: dầu 2 tấn sản phẩm/ ngày, bột than 3,5 tấn sản phẩm/ ngày, ta-lông thép 1,2 tấn sản phẩm/ ngày.

Trong quá trình hoạt động, nhà máy không phát sinh nước thải sản xuất, chủ yếu nước thải sinh hoạt và nước làm mát máy được sử dụng tuần hoàn lại. Khí thải phát sinh từ lò đốt, do nhiên liệu sử dụng để cung cấp nhiệt là than, củi tạo ra hỗn hợp cháy không hoàn thiện phát sinh khí thải có chứa CO, NOx, SOx… và bụi than từ công đoạn lấy bụi than ra khỏi lò bằng motor hút. Công ty đã lắp đặt hệ thống phun sương trên máy nhà xưởng sản xuất, xung quanh khu vực lấy bụi than từ lò đốt có phủ vải che để hạn chế bụi phát tán ra môi trường xung quanh. Tuy nhiên, công ty chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải từ lò đốt đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, khí thải được đưa qua bể nước, sau đó thải trực tiếp qua môi trường bằng ống khói cao khoảng 10m, vì vậy phát sinh mùi hôi. Chất thải nguy hại phát sinh trong nhà máy bao gồm: dầu nhớt thải, giẻ lau nhiễm dầu nhớt thải, bóng đèn huỳnh quang thải… Công ty cũng chưa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, chưa xây dựng khu vực lưu giữ chất thải nguy hại còn để dầu rơi vãi xuống đất tại một số khu vực trong nhà máy. Công ty sử dụng 02 giếng khoan nhưng chưa lập hồ sơ thăm dò và khai thác nước dưới đất, chưa lập hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng đã đưa dự án đi vào hoạt động.

Với những nội dung vi phạm nêu trên, ngày 07.11.2011, Thanh tra Sở TN-MT xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty 15 triệu đồng, buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt. Công ty cam kết khắc phục và sẽ di dời nhà máy về Cụm CN Hoà Hội thuộc ấp Bố Lớn, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành chậm nhất là quý II/2012.

Ông Trần Văn Chiến nhấn mạnh, thời gian qua, các ngành, các cấp đã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2009 đến ngày 30.11.2011, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh đình chỉ hoạt động 16 cơ sở, phạt vi phạm hành chính 142 cơ sở với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2007 đến nay, ngành chức năng cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 04 kế hoạch xử lý 108 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, đã có 104/108 cơ sở đã triển khai thực hiện – đạt 96,3%, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, tiến tới kiểm soát và hạn chế tốc độ gia tăng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

HY UYÊN