BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở TN-MT: Trả lời kiến nghị cử tri một số vấn đề liên quan đến đất đai

Cập nhật ngày: 13/12/2011 - 12:51

(BTNO) - Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Trần Văn Chiến cũng đã “đăng đàn” trả lời khá nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và bà con cử tri trong 3 lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở TN- MT trả lời kiến nghị của cử tri huyện Trảng Bàng về việc xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân trong khu vực Nông trường Bời Lời trước đây (huyện Trảng Bàng đã có biên bản họp đề xuất giải quyết từ tháng 8.2003).

Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Chiến trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và bà con cử tri

Vấn đề này, ông Trần Văn Chiến cho biết: Ngày 22.12.2009, Văn phòng UBND tỉnh có công văn số 4028/VP-KTN thông báo kết luận cuộc họp Chủ tịch, các Phó chủ tịch về nội dung chủ trương cho thuê đất nông nghiệp tại khu vực ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng. Đến ngày 25.10.2010, UBND huyện Trảng Bàng có văn bản gởi UBND tỉnh về việc xác định mốc thời gian cho thuê đất. Sở TN-MT đã được UBND tỉnh yêu cầu tham mưu, đề xuất. Ngày 18.11.2010, Sở TN-MT đã có văn bản về việc xác định thời gian cho thuê đất, cụ thể như sau:

“Tiền thuê đất được tính kể từ khi có chủ trương cho thuê đất tại Công văn số 4028/VP-KTN ngày 22.12.2009 của Văn phòng UBND tỉnh.

Thời hạn thuê đất là 5 năm, hết thời hạn 5 năm nếu hộ nào còn khai thác và có văn bản đề nghị gia hạn thì UBND huyện Trảng Bàng xem xét trường hợp cụ thể và cho gia hạn đến hết thời gian khai thác”.

Ngày 01.3.2011, UBND huyện Trảng Bàng có Công văn số 170/UBND gởi UBND tỉnh về việc xác định mốc thời gian thuê đất. Vấn đề này đã được Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang kết luận tại cuộc họp Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Biên bản số 119/BB-UBND ngày 26.9.2011: “Giao cho UBND huyện Trảng Bàng lập quy hoạch sử dụng đất khu vực đất trên trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau đó lập đề án cho thuê trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định”.

Cử tri đặt câu hỏi: Theo quy định của Luật đất đai năm 2003, nếu người dân sử dụng diện tích đất vượt hạn điền phải chuyển sang thuê đất. Người dân có đất ngoài hạn điền nay muốn cho con (mới có gia đình riêng) để sản xuất, vậy làm thế nào để đất đó không phải là đất thuê khu người sử dụng đất đó chưa vượt hạn điền theo Luật đất đai quy định?

Theo Giám đốc TN-MT, căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 35 Luật Đất đai: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất từ ngày 01 tháng 01 năm 1999 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ diện tích đất do nhận chuyển quyền sử dụng đất” thì Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.

Tại khoản 1, Điều 17 Nghị định 142/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14.11.2005 về thu tiền thuế đất, thuế mặt nước quy định:

1. Đối với trường hợp thuê đất, thuê mặt nước mới:

a) Hồ sơ địa chính về thuê đất do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên và môi trường gửi đến, quyết định giá cho thuê đất, thuê mặt nước của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện là căn cứ để cơ quan thuế xác định số tiền thuê đất, thuê mặt nước mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải nộp”.

Như vậy, việc xác định diện tích vượt hạn mức chuyển sang thuê của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Người dân có đất vượt hạn điền, nếu cho con phần diện tích đất vượt hạn điền thì người nhận quyền sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng đất ghi trên chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải chuyển sang thuê đất theo quy định.

Cử tri chất vấn: Để góp phần ổn định đời sống cho nhân dân, việc thực hiện đo đạc chi tiết để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và đã thực hiện xong 7/9 huyện, thị. Huyện Tân Biên và Tân Châu là điểm nóng nhưng lại thực hiện sau cùng. Đề nghị ngành TN-MT cho biết nguyên nhân vì sao hai huyện này không tiến hành đo đạc trước để góp phần giải quyết điểm nóng? Vì sao các nông, lâm trường không bỏ tiền ra để đo đạc theo quy định?

Ông Trần Văn Chiến cho biết, Dự án tổng thể điều chỉnh xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính tỉnh Tây Ninh đã được Bộ TN-MT thẩm định và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2004. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên phải phân giai đoạn thực hiện nên huyện Tân Biên và Tân Châu theo dự án là triển khai trong giai đoạn 2012 – 2015. Để đảm bảo quyền lợi của người dân, hai huyện trên cũng đã tiến hành đo đạc đất nông nghiệp theo Chỉ thị số 299/TTg và đo đất ở theo Chỉ thị số 10/CT-TTg để cấp giấy CNQSDĐ.

Mặt khác, hai huyện Tân Biên và Tân Châu có diện tích đất chủ yếu là đất nông, lâm trường và đất nông nghiệp, có nhiều biến động nên chủ trương của tỉnh là đầu tư đo đạc hoàn chỉnh những sử dụng đất ổn định để thuận lợi trong việc quản lý và sử dụng hồ sơ địa chính có hiệu quả. Đối với hai huyện Tân Biên và Tân Châu sẽ triển khai trong năm 2012. Đặc biệt, ngày 11.8.2011, Bộ TN- MT có công văn về chủ trương tổ chức thí điểm đầu tư kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh 01 huyện và Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chọn huyện Tân Châu.

Căn cứ Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 28.42006 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Dự án thành lập bản đồ địa chính, cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp cho một số tỉnh, trong đó có Tây Ninh; Quyết định số 264/2003/QD-TTg ngày 16.12.2003 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp quản lý, sử dụng đất các nông, lâm trường quốc doanh, việc tổ chức đo đạc các nông, lâm trường là chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí để thực hiện là từ ngân sách, các nông, lâm trường không phải bỏ ra để đo đạc như kiến nghị.

Còn tiếp

HY UYÊN