BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở Tư pháp- 40 năm xây dựng và phát triển 

Cập nhật ngày: 28/12/2022 - 04:49

BTN - Sở Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 276/QĐ-UB ngày 28.12.1982 của UBND tỉnh, đến nay đã tròn 40 năm. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, phóng viên Báo Tây Ninh có cuộc gặp gỡ, phỏng vấn ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp.

Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tại huyện Gò Dầu, ngày 21.6.2022. Ảnh: Thiên Di

PV: Xin ông cho biết những thành tựu, kết quả nổi bật của Sở Tư pháp qua 40 năm xây dựng và phát triển?

Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp: Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, ngành Tư pháp tỉnh nhà nói chung và Sở Tư pháp nói riêng đã từng bước trưởng thành và không ngừng phát triển về mọi mặt. Điều đó thể hiện ở một số điểm nhấn nổi bật sau:

Tổ chức bộ máy Sở Tư pháp từng bước được củng cố, kiện toàn; trình độ chuyên môn, năng lực công tác của đội ngũ CB,CC,VC  được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vị trí, vai trò của ngành Tư pháp nói chung, Sở Tư pháp nói riêng ngày càng được khẳng định; được tăng cường, bổ sung thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện nay, Sở Tư pháp được giao quản lý, tham mưu UBND tỉnh trên 30 lĩnh vực. Ngoài những lĩnh vực chuyên môn đặc thù của ngành như công tác xây dựng văn bản; phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực…

Sở còn được giao làm đầu mối quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực gắn với trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, như công tác theo dõi thi hành pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính; bồi thường nhà nước; đăng ký giao dịch bảo đảm… Có thể nói, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Tư pháp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Công tác quản lý nhà nước của Sở Tư pháp trên các lĩnh vực đều có những chuyển biến rõ nét, đạt được những thành quả quan trọng, trong đó nổi bật là: công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, mang lại hiệu quả tích cực; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều nội dung thiết thực, hình thức phong phú, phương pháp phù hợp với địa bàn và các đối tượng khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm các đối tượng đặc thù, như công nhân, người lao động ở các doanh nghiệp; người đang chấp hành hình phạt tù; đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân địa phương. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực luôn được quan tâm, bảo đảm giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu của nhân dân.

Đặc biệt, công tác này thời gian qua đã có nhiều giải pháp, cải tiến mang lại hiệu quả thiết thực- nhất là việc triển khai thực hiện chủ trương số hoá dữ liệu hộ tịch; thực hiện chứng thực bản sao điện tử; giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến... gắn với việc triển khai Đề án 06/CP về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ nhu cầu chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp, như công chứng, luật sư, đấu giá tài sản… được tăng cường và ngày càng đi vào nền nếp, góp phần cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; giúp chính quyền địa phương và các cơ quan tố tụng giải quyết kịp thời, chính xác, khách quan các vụ việc phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước pháp luật.

Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp tặng bằng khen của Hội Luật gia Việt Nam cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Tâm Giang

Hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần hiện thực hoá chính sách nhân đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý, tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật của người nghèo, đối tượng chính sách và những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp đã thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho hàng chục ngàn lượt trẻ em, người nghèo, đối tượng chính sách, các nhóm yếu thế trong xã hội, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

PV: Với những thành tích nổi bật đạt được trong suốt 40 năm qua, Sở Tư pháp đã được các cấp có thẩm quyền ghi nhận bằng nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng?

Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp: Trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của ngành Tư pháp Tây Ninh luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh của địa phương.

Những thành tích đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, biểu dương, khen tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó vinh dự nhất là được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2019; Bộ Tư pháp 5 lần tặng Cờ thi đua xuất sắc cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; có 3 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh…

Đạt được những thành tích nêu trên là sự cố gắng, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Tư pháp; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ, cộng tác tích cực, có hiệu quả của các ngành, các cấp trong tỉnh.

PV: Xin ông cho biết những định hướng, giải pháp của ngành trong thời gian tới?

Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp: Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải tăng cường pháp chế XHCN trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này đang đặt ra cho ngành Tư pháp nói chung và Sở Tư pháp Tây Ninh nói riêng những yêu cầu mới.

Đảng uỷ, Ban Giám đốc Sở Tư pháp luôn quán triệt, nhận thức rõ trách nhiệm của mình, trên cơ sở đó sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả các mặt công tác của ngành, trong đó sẽ tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, phát huy vai trò của Sở Tư pháp trong việc tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành, thể chế hoá các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tập trung tham mưu cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hoá các hình thức PBGDPL nhằm kịp thời đưa chủ trương, chính sách, pháp luật đến với đông đảo người dân. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách mới ngay từ quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gắn với những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Nâng cao chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở và việc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Ba là, tiếp tục quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời các TTHC về hộ tịch, chứng thực cho người dân. Đẩy nhanh tiến độ số hoá dữ liệu hộ tịch, tạo tiền đề cho việc kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phục vụ ngày càng tốt nhu cầu của người dân.

Bốn là, tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của Sở đối với các tổ chức bổ trợ tư pháp, nhất là đối với hoạt động luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản… nhằm bảo đảm quản lý, kiểm soát có hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp cho xã hội theo lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

Năm là, quan tâm thực hiện tốt chính sách trợ giúp pháp lý, bảo đảm tất cả đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý đều được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí, mọi người dân đều bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng pháp luật.

Sáu là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Sở Tư pháp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức quản lý, điều hành công việc, cũng như trong giải quyết nhu cầu, thủ tục hành chính của người dân.

Chúng tôi tin tưởng rằng với tinh thần “Đoàn kết - sáng tạo - bản lĩnh - kỷ cương - trách nhiệm”, tập thể công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp bước các thế hệ đi trước, đổi mới tư duy, hành động, đề cao kỷ luật, kỷ cương, nỗ lực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

P.V (thực hiện)


Liên kết hữu ích