Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sở Tư pháp: Những ngày đầu thành lập
Thứ tư: 04:49 ngày 28/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 28.12.2022 là ngày kỷ niệm 40 năm thành lập Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh. Là một trong những người đầu tiên làm việc tại đơn vị, nhân ngày này, tôi xin nhắc lại một vài sự kiện đã qua.

Ông Lê Tiến Châu- nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp tặng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Sở Tư pháp Tây Ninh. Ảnh tư liệu

Do không có nhân lực nên phải đến ngày 28.12.1982, thực hiện chủ trương của cơ quan có thẩm quyền, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 276/QĐ-UB thành lập Sở Tư pháp, muộn hơn so với nhiều tỉnh, thành khác.

Những ngày đầu khó khăn

Để có người làm việc, giai đoạn đầu, UBND tỉnh cử một số cán bộ từ Ban Pháp chế thuộc UBND tỉnh sang làm việc, trong đó có ông Nguyễn Tường Chí (Hai Chí)- Phó trưởng Ban Pháp chế thuộc UBND tỉnh đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở; ông Dương Văn Sơn (Tư Sơn), cán bộ Ban Pháp chế được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Tổ chức. Lúc này, tôi công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc - Hà Nội 2 năm. Vừa tốt nghiệp, tôi được phân công về giữ chức vụ Phó Giám đốc. Ngày nhận quyết định, tôi đến hỏi bảo vệ UBND tỉnh vô Sở Tư pháp, bảo vệ không biết cơ quan nằm ở đâu nên tôi hỏi nơi làm việc của bác Hai Chí, anh em mới chỉ cái nhà nằm sát hàng rào phía sau UBND tỉnh.

Tôi bước vô chào bác Hai Chí và anh Tư Sơn. Lúc này, tôi vừa trao đổi công việc vừa quan sát nơi làm việc của bác Hai, chỉ có hai bộ bàn ghế làm việc, một bộ salon và một tủ hồ sơ.

Quyết tâm tìm nguồn lực cho Sở, tôi bàn bạc với bác Hai về tình hình của Tây Ninh. Không thể xin cán bộ từ nơi khác về, chúng tôi thống nhất chiêu mộ học sinh có trình độ từ lớp 9 trở lên, đưa đi đào tạo tại Trường trung cấp pháp lý Bình Triệu (TP. Hồ Chí Minh).

Được sự hỗ trợ của cô Nguyễn Thị Chơn (Năm Chơn)- nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp phụ trách phía Nam, Tây Ninh chỉ việc tuyển chọn người và đưa xuống trường học. Trường trung cấp pháp lý Bình Triệu đào tạo giúp được 2 khoá với trên 50 người, từ đó, Sở Tư pháp Tây Ninh có cán bộ để bố trí các phòng nghiệp vụ và tăng cường cho một số huyện.

Gửi nhân lực đi học ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng không đủ đáp ứng yêu cầu, Ban Giám đốc Sở Tư pháp bàn bạc mở lớp tại tỉnh nhà. Tôi đến UBND tỉnh đề nghị và được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh về công tác đào tạo. Chúng tôi mượn địa điểm trong khu Nội ô Toà thánh làm nơi dạy học, liên hệ Trường bổ túc văn hoá xin số bàn ghế cũ và cho người sửa lại, đợi ngày khai giảng.

Phụ trách đào tạo là Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh. Nhà trường ký hợp đồng với Trường trung cấp pháp lý Bình Triệu mở lớp trung cấp tại Tây Ninh được 2 khoá, sau đó, chúng tôi tiếp tục ký hợp đồng với Trường đại học Luật mở lớp đào tạo đại học. Tây Ninh mở được 2 khoá đại học luật tại chức, mỗi khoá 2 lớp. Nhờ đó, cán bộ có trình độ đại học luật tương đối nhiều, được đưa về công tác tại các ngành, cơ quan trong tỉnh.

Xây dựng nền móng, góp phần cho ngành Tư pháp vững bước đi lên

Việc đào tạo trình độ pháp lý cho cán bộ trong ngành phục vụ công tác chuyên môn tốt; cơ sở vật chất của Tư pháp, Toà án được trang bị tương đối đầy đủ; biên chế của ngành Tư pháp, Toà án cấp huyện được bổ sung có Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán. Trụ sở làm việc của cơ quan Tư pháp, Toà án nhân dân cấp huyện được đầu tư khang trang, không còn làm việc chung trong Huyện uỷ và mượn hội trường xét xử như trước đây.

Toà án nhân dân cấp huyện được bàn giao về Sở Tư pháp, cơ sở vật chất, phương tiện, cán bộ đầy đủ nên mở phiên toà xét xử được thuận lợi và liên tục. Thời gian đầu, Tây Ninh không có cán bộ có trình độ bào chữa, phải mời lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể tham gia, nhưng vì công việc cơ quan nhiều nên việc tham gia có phần hạn chế.

Sau đó, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thành lập Đoàn Luật sư, tập hợp được đội ngũ những người có trình độ pháp lý ở địa phương, Sở Tư pháp Tây Ninh tìm đến Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh nhờ giúp đỡ. Đơn vị bạn cử luật sư Phạm Đăng Trừng lên Tây Ninh hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ. Sau này, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh mở nhiều lớp bồi dưỡng cho luật sư mới vào ngành, trình độ các luật sư Tây Ninh tiến bộ rõ rệt, đảm nhận các phiên toà từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Từ đó, Đoàn Luật sư Tây Ninh hoạt động ổn định và phát triển cho đến hôm nay.

Đối với Hội Luật gia, cán bộ có trình độ trung cấp luật được đào tạo tại tỉnh nhà nên việc thành lập khá thuận lợi. Hội Luật gia lúc này có ông Hai Trâm, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ và tôi (Ba Đông), Tám Hùng (Sở Tư pháp) cùng Chín Trang (Đoàn Luật sư Tây Ninh) tham gia. Sau này, vận động các cán bộ công tác ở Toà án, Viện Kiểm sát, Sở Tư pháp thành lập Chi hội Luật gia của cơ quan mình, vận động thêm người trong ngành tham gia.

Bộ máy Sở Tư pháp cơ bản đã ổn định, các phòng nghiệp vụ phát huy đầy đủ chức năng, khác với lúc mới thành lập chỉ có các phòng: Văn phòng; Phòng Tổ chức; Phòng Văn bản; Phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật; Phòng Quản lý hộ tịch.

Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Sở Tư pháp trong giai đoạn này là soạn thảo, thẩm định văn bản. Công tác này rất quan trọng, đòi hỏi cán bộ phải đủ tầm, có tư duy tốt. Ngoài khâu chọn người còn phải tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên để tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành văn bản chặt chẽ, đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đối với công tác quản lý hộ tịch, việc đăng ký hộ tịch trong các lĩnh vực: khai sinh, kết hôn, khai tử, nhận nuôi con nuôi, giám hộ, việc nhận cha mẹ con, việc đăng ký quá hạn thuộc thẩm quyền của UBND xã, phường, thị trấn. Riêng việc đăng ký thay đổi họ tên, chữ đệm, cải chính họ tên chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; kết hôn; xác định lại dân tộc; đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trong giai đoạn này, Sở Tư pháp đã làm tốt công tác hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các địa phương và tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ.

Đối với công tác công chứng, theo quy định quản lý công tác công chứng thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Hoạt động công chứng rất mới mẻ, thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền, Sở thành lập phòng công chứng, do lãnh đạo Sở kiêm nhiệm giai đoạn đầu vì không có người.

Về thi hành án dân sự, tổ chức hoạt động thi hành án dân sự bảo đảm trật tự kỷ cương. Để có người lãnh đạo điều hành công tác thi hành án trong thời gian đầu chưa tìm được người đảm nhiệm, lãnh đạo Sở phải kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Phòng Thi hành án dân sự. Lúc này, Sở quản lý toàn diện công tác thi hành án dân sự, hiện nay do Bộ Tư pháp quản lý.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước là cơ quan trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số. Bước đầu thành lập trung tâm cũng khá vất vả vì thiếu nhân lực, phải lựa chọn một số cán bộ trong ngành đảm trách, đưa đi bồi dưỡng nghiệp vụ mới có thể đảm đương được nhiệm vụ. Đến nay, công tác trợ giúp pháp lý đã được nhiều người biết đến, là chỗ dựa về mặt pháp luật cho người nghèo, người yếu thế, từ đó tạo ra sự chuyển biến chung cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

Trong 40 năm qua, Sở Tư pháp luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện đúng đường lối đổi mới, sâu sắc; được Bộ Tư pháp giao thêm nhiều trọng trách, tổ chức ngành từng bước mở rộng, đội ngũ cán bộ được tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trịnh Văn Đông

(Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục