Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hàng năm cứ vào tháng 9 đến tháng 10 âm lịch là chợ thịt chuột xã Cổ Dũng, huyện Kim thành, tỉnh Hải Dương lại trở nên sôi động. Không chỉ người dân ở đây sử dụng thịt chuột mà người dân ở các vùng miền khác cũng đến mua.
Từ 14 giờ chiều, hàng chục hộ gia đình bắt đầu đem chuột ra chợ bán. Đây là những con chuột được người dân bắt tại các ruộng lúa mà dân gian quen gọi là chuột đồng. Sau vụ mùa, chuột ăn lúa nếp nên rất béo, thịt thơm ngon và không có mùi hôi. Người dân ở đây cho biết để chế biến chuột đồng cần phải bỏ hai hạch ở phía đùi.
Chị Đặng Thị Mai ở xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, đã làm nghề bán chuột đồng 15 năm, cho biết phân biệt chuột đồng và chuột nhà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian. Chuột nhà dài còn chuột đồng ngắn hơn, chuột nhà hôi không thể ăn được. Chỉ cần nhìn là chị biết ngay chuột đồng hay chuột nhà. Mỗi ngày trung bình chị bán được gần một tạ chuột.
Chuột được người dân chế biến thành các món như luộc, quay, hầm với gạo nếp uống rượu nếp và ăn thịt chuột với xôi nếp.
Bà Nguyễn Thị Hiển ở xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, cho rằng ăn thịt chuột đồng ngon hơn một số thịt khác; khi nấu phải biết cách làm sạch, phải có sả, giềng, mắm tôm, hành rau thơm...
Còn theo ông Nguyễn Văn Cử ở xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, người đã sử dụng thường xuyên món thịt chuột, món ăn này có nhiều chất đạm. Vào mùa, người Hà Nội và các nơi về đây mua thịt chuột rất đông. Nhiều gia đình có cỗ bàn cũng sử dụng thịt chuột như một món ăn đặc sản của vùng quê này.
Những người buôn bán thịt chuột ở chợ cho biết nhiều khi không đủ chuột để cung cấp cho người tiêu dùng, chuột thui đến đâu là bán hết đến đấy, giá dao động từ 100-150.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kim Thành cho rằng đây là một món ăn đặc sản của riêng Cổ Dũng. Huyện cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là thịt chuột; tổ chức nhiều đoàn y tế tăng cường kiểm tra thực hiện an toàn vệ sinh an toàn tại các chợ.
(TTXVN/Vietnam+)