BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sôi nổi phiên chất vấn tại hội trường (tt)

Cập nhật ngày: 28/07/2011 - 10:13

Việc cấp phép và quản lý xây dựng nhà ở khu vực nông thôn

Ông Trương Văn Ngôn, PGĐ Sở Xây dựng

Trả lời vấn đề đại biểu đặt ra: “Tình hình dân cư ở khu vực nông thôn cất nhà ở là tự phát, không theo một quy định nào, muốn ở địa điểm nào là tuỳ ý muốn của dân, nên xảy ra tình trạng rất khó khăn trong xây dựng các cơ sở hạ tầng như: Trường học, giao thông, kênh mương, lưới điện…”, ông Trương Văn Ngôn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết:

Việc xây dựng nhà ở nông thôn được điều chỉnh theo Luật Xây dựng đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên việc thực hiện theo luật lại còn nhiều vướng mắc, bất cập. Theo luật thì việc người dân xây dựng nhà ở phải có giấy phép, và phải có quy hoạch mới được cấp giấy phép; nếu chưa có quy hoạch thì việc xây dựng phải phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Quyền hạn cấp phép xây dựng nhà ở nông thôn là do UBND huyện và UBND các xã. Vai trò của Sở Xây dựng là tham mưu cho UBND tỉnh và thẩm định các đề án, quy hoạch thuộc thẩm quyền UBND tỉnh; tập huấn cho cán bộ các địa phương trong tỉnh. Ở tỉnh ta, thực tế công tác quy hoạch xây dựng chưa đạt yêu cầu; hiện còn thiếu rất nhiều quy hoạch, chất lượng quy hoạch chưa cao. Tình trạng các địa phương trong tiến trình thực hiện quy hoạch chưa dân chủ, thiếu đồng bộ vẫn còn diễn ra. Công tác tuyên truyền cho nhân dân biết để tham gia và giám sát chưa được các địa phương quan tâm. Các tồn tại trên sẽ được khắc phục trong tiến trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ông Trương Văn Ngôn trả lời thêm những vấn đề đại biểu nêu tại tổ thảo luận: Việc cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn phải bảo đảm các quy định để khi thực hiện quy hoạch không vướng mắc. Việc để khoảng cách hành lang ATGT đối với các tuyến đường là việc bắt buộc; việc quản lý, khai thác hành lang ATGT chỉ cho phép xây dựng các công trình tạm, nhưng phải bảo đảm quy định, và phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Nam Hưng chưa thống nhất với trả lời của Sở Xây dựng. Ông Hưng cho rằng: Việc xây cất nhà ở tạm trên diện tích quy hoạch hành lang ATGT những tuyến đường chưa thực hiện theo quy hoạch là được phép cấp giấy phép; nhưng ngành Xây dựng lại không cho, gây khó khăn cho người dân khi đường chưa thực hiện; đề nghị Sở Xây dựng xem xét vấn đề này, để tạo điều kiện cho người dân cất nhà ở.

Đại biểu Võ Văn Dũng nêu vấn đề: Việc Sở Xây dựng tham mưu như thế nào để giải quyết những bức xúc của người dân mới là vấn đề cần bàn bạc, cần tiếng nói cụ thể của ngành Xây dựng; còn việc thực hiện theo “lộ trình” theo quy định là đương nhiên, quy hoạch phải cụ thể thời gian thực hiện, “quy hoạch treo” để người dân phải chờ, gây bức xúc là việc không nên.

Chủ toạ kỳ họp kết luận giao trách nhiệm cho ngành Xây dựng tham mưu cụ thể cho UBND tỉnh và các địa phương giải quyết những bức xúc của người dân trong việc cấp phép xây dựng nhà ở, nhất là nhà ở tạm trên hành lang ATGT.

Việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và thuốc chữa bệnh

Ông Trần Văn Bé, PGĐ Sở Y tế trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn: “Có rất nhiều nơi bán thực phẩm, thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tình trạng nơi bán thực phẩm lại đồng thời bán thuốc chữa bệnh, thuốc trừ sâu, thuốc thú y đang diễn ra phổ biến ở nông thôn, ngành chức năng có giải pháp gì để khắc phục?”. Bác sĩ Trần Văn Bé, Phó Giám đốc Sở Y tế giải trình: Ngành Y tế thực hiện việc quản lý VSATTP trên địa bàn toàn tỉnh, hiện nay với 8.124 cơ sở. Ngành thường xuyên kiểm tra, thanh tra, kết quả thực tế cho thấy chỉ có 52% đạt chuẩn VSATTP. Về việc thuốc chữa bệnh bán chung với thực phẩm, thuốc trừ sâu chỉ có thể xảy ra ở vùng sâu, xa và nếu có chỉ là cá biệt, chứ không thể có tình trạng “phổ biến” được. Hiện hệ thống phân phối thuốc chữa bệnh đã phủ kín đến khu dân cư trong toàn tỉnh; nếu phát hiện tình trạng như đại biểu phản ánh, ngành sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Bé trả lời thêm về việc đại biểu nêu tại hội trường: Đối với tình trạng thiếu bác sĩ ở huyện Tân Biên; tuy hiện nay ngành Y tế đang rất thiếu bác sĩ, nhưng vẫn phải cử 4 bác sĩ giúp cho huyện Tân Biên khắc phục việc thiếu cán bộ. Đại biểu Nguyễn Thị Điệp (Tân Biên) đề nghị ngành Y tế kiểm tra lại việc tăng cường bác sĩ cho tuyến xã ở Tân Biên và hỗ trợ việc xây dựng nhà công vụ cho cán bộ được cử về cơ sở công tác.

Chủ toạ kỳ họp kết luận, nhắc nhở ngành Y tế quan tâm, sâu sát hơn nữa đến việc quản lý VSATTP và hỗ trợ cán bộ có tay nghề cho y tế tuyến huyện, xã để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân được tốt hơn.

Do thời gian có hạn nên tại kỳ họp thứ hai- HĐND tỉnh còn một số chất vấn của các đại biểu HĐND sẽ được các cơ quan, đơn vị và người có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi tới TTHĐND tỉnh và các đại biểu.

KHẮC LUÂN