BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sôi nổi phiên thảo luận tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026 

Cập nhật ngày: 01/07/2021 - 19:29

BTNO - Trong ngày làm việc thứ hai, sau khi UBND tỉnh thông qua 16 Tờ trình dự thảo Nghị quyết, các đại biểu chia làm 3 tổ thảo luận, đánh giá, phân tích đóng góp cho Nghị quyết cũng như nhiều vấn đề thuộc điều hành của UBND tỉnh. Có tất cả 23 đại biểu phát biểu với 59 ý kiến, trong đó có 44 ý kiến được giải trình tại chỗ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc thông tin về một số nội dung trong các Dự thảo Nghị quyết 

Hỗ trợ trẻ em mầm non là con công nhân tại các khu công nghiệp; giáo viên mầm non dân lập

Đối với dự thảo Nghị quyết phê duyệt Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách của Dân quân tự vệ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, đại biểu Trần Thị Thanh Hằng cho rằng, Nghị quyết cần điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo đối với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, đến năm 2025, 100% Chỉ huy trưởng BCH Quân sự phải đạt trình độ Đại học, vì Chỉ huy trưởng BCH Quân sự cấp xã là công chức. 

Giải trình tại kỳ họp, Đại tá Nguyễn Thành Tâm – Phó Chỉ huy trưởng – Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, Thông tư 13 hướng dẫn thực hiện Nghị định 34 năm 2019 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Theo đó, tại Điều 1, Nghị định 34 nêu rõ, tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Đức Trong phản biện một số góp ý của đại biểu

“Theo lộ trình đề án và nghị quyết của Quân khu, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong giai đoạn 2021- 2025, thống nhất chỉ tiêu trình độ cao đẳng, đại học đối với Chỉ huy trưởng và Chỉ huy phó từ 80-90%, không có quy định riêng Chỉ huy trưởng phải có trình độ đại học 100%” - Đại tá Nguyễn Thành Tâm phân tích.  

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp (KCN); mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non, dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN trên địa bàn tỉnh. Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Nam, dự thảo Nghị quyết chỉ quy định đối tượng và mức hỗ trợ nhưng chưa có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để đối tượng được hỗ trợ thực hiện.

“Nghị quyết này sau khi thông qua sẽ giao cho UBND tỉnh triển khai, thực hiện. Khi đó, đề nghị UBND tỉnh tập trung hướng dẫn rõ về tiêu chuẩn, điều kiện, hồ sơ, thủ tục để công nhân, người lao động ở các KCN, đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, dân lập trên địa bàn có KCN sớm được tiếp cận chính sách và đảm bảo các đối tượng được hưởng không bỏ sót, không trùng lắp” - ông Nguyễn Hoàng Nam nói.

Đại biểu Thành Từ Dũ đề nghị, Nghị quyết cần mở rộng đối tượng hưởng thụ đến trẻ em, giáo viên mầm non ở các xã biên giới, cụ thể là giáo viên và trẻ em tại Khu dân cư Chàng Riệc (xã Tân Lập, huyện Tân Biên).

Cũng có đại biểu băn khoăn, việc hỗ trợ cho giáo viên mầm non ở khu vực dân lập, tư thục cần được cân nhắc. “Chúng ta cần đánh giá mức thu nhập giữa giáo viên mầm non công lập và tư thục. Việc ban hành Nghị quyết này có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên các trường công lập, gây khó khăn trong việc tuyển giáo viên ở các trường này”, đại biểu Nguyễn Trọng Tấn trình bày.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Đức Trong cho rằng, xu hướng tới đây là xã hội hoá ngành Giáo dục. Do đó, việc hỗ trợ đối với giáo viên mầm non tư thục, dân lập là cần thiết, tạo cơ sở phát triển giáo dục tư thục sau này, giảm bớt nguồn chi ngân sách. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có chủ trương quan tâm đến giáo viên trong các trường công lập. 

Cần giải quyết hạn chế trong lĩnh vực pháp chế

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu còn tập trung thảo luận các nội dung liên quan kết quả thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm và khả năng hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2021; kết quả phòng, chống Covid-19, các biện pháp ứng phó, các nhóm giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Các nội dung về công tác giải ngân vốn đầu tư; tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nông thôn mới, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội; buôn lậu… cũng được thường trực HĐND đề nghị đại biểu cho ý kiến. 

Đa số đại biểu thống nhất với các báo cáo tình hình kinh tế xã hội của UBND tỉnh. Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều đại biểu đề nghị tỉnh cần có chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, có kịch bản và nguồn lực dự phòng, để khi dịch bệnh lây lan, phải thực hiện biện pháp phong tỏa. Đặc biệt, có đại biểu cho rằng, tình trạng buôn lậu hiện nay vẫn diễn ra, khó kiểm soát. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh vào trong nội địa. 

Đóng góp cho báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Quyên lưu ý kết quả thực hiện cải cách hành chính, trong đó các chỉ số PCI, PAPI giảm hạng so với năm 2019. “Chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ thực hiện chính quyền số. Trong đó, tỉnh cần đẩy mạnh việc nâng cấp hạ tầng cổng thông tin điện tử của tỉnh, của HĐND tỉnh, của các sở ngành để cung cấp thông tin rộng rãi đến người dân trong và ngoài tỉnh” - bà Nguyễn Thị Kim Quyên góp ý. 

Buổi thảo luận tổ của các đại biểu tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026

Các đại biểu cũng yêu cầu UBND tỉnh có báo cáo đánh giá thêm hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; quan tâm đến tình trạng thiếu giáo viên. Có đại biểu đề nghị tỉnh cần xem xét việc ngân sách tỉnh cần hỗ trợ thêm cho các đơn vị tự chủ một phần. Hiện nay tình trạng thu chi chưa cân đối trong lĩnh vực giáo dục và y tế, làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động trong lĩnh vực này. Về lĩnh vực pháp chế, các đại biểu cũng băn khoăn trong công tác phòng, chống tham nhũng, UBND tỉnh cần xác định nguyên nhân và có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Ngọc Diêu – Phương Thảo