Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bước đột phá mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc xem xét, xử lý trách nhiệm chính cơ quan thanh tra, kiểm toán nếu không phát hiện sai phạm hoặc phát hiện mà không xử lý, xử lý không nghiêm.
Tại hội nghị lần thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh về vấn đề kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động kiểm tra, giám sát.
Có thể nói, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới ở mặt trận này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Thực tế, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Có thể nói chưa bao giờ chúng ta xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua”.
Ngoài sự quyết liệt, điểm nổi bật vừa qua chính là việc xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, dứt điểm giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Cụ thể, đối với 2 trường hợp Ủy viên Trung ương là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng trong vụ Việt Á gần đây đã thể hiện nhất quán quan điểm: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai".
Trong phát biểu tại hội nghị của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư đã dẫn chứng việc xử lý kỷ luật đối với 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước do có sai phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, chính là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Điều này thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đó là, nếu qua thanh tra, kiểm toán không phát hiện sai phạm hoặc có phát hiện sai phạm mà không xử lý, hoặc xử lý không nghiêm, sau đó cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện ra sai phạm thì trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra, kiểm toán đó sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm.
Từ trước đến nay, đã có những lần dư luận bức xúc với những hành vi tham nhũng tiêu cực ở ngay những cơ quan thực thi pháp luật là thanh, kiểm tra. Đã có những ý kiến cho rằng đây là những đơn vị có quyền lực nhà nước, nhưng khâu kiểm soát quyền lực vẫn còn những ý kiến khác nhau.
Như vậy, với quyền lực được giao, giữa đấu tranh phát hiện sai phạm, chỉ rõ trách nhiệm và bị chi phối để không chỉ ra sai phạm hoặc có phát hiện sai phạm mà không xử lý, hay xử lý không nghiêm chỉ là ranh giới mong manh.
Vì thế, đã rất nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến vấn mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chủ trì một phiên họp của Ban Chỉ đạo
“Nói phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế là với ý nghĩa như vậy”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 diễn ra sáng 12/12/2020.
Phải có “lồng cơ chế” đủ sức, đủ tầm để bao trùm lên mọi quyền lực. Trao quyền cho người đứng đầu là đúng, trao quyền cho cơ quan thanh kiểm tra là đúng vì như vậy họ mới có đủ thẩm quyền trong xử lý mọi việc. Tuy nhiên, ngược lại với trao quyền lực đó là phải được kiểm soát bằng cơ chế, tránh lạm quyền, suy thoái.
Trăn trở là như vậy, nhưng cũng không phải một sớm một chiều để bịt hết được “lỗ hổng”. Chỉ có những vấn đề từ thực tiễn, những nảy sinh từ thực tiễn thì mới có câu trả lời, mới có biện pháp đúng nghĩa từ thực tiễn.
Từ thực tiễn có nảy sinh tiêu cực, từ thực tiễn thấy những bất cập của việc thanh, kiểm tra nên Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã chỉ rõ trách nhiệm với từng vị trí như trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra, kiểm toán.
Kiểm tra chéo hay kiểm tra của kiểm tra chính là giám sát thực thi quyền lực, không cho phép lạm quyền biến sai thành đúng, biến nặng thành nhẹ. Và từ kiểm soát quyền lực bằng cơ chế, xử lý trách nhiệm như trên, theo Tổng Bí thư, đây là bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay chính trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao.
Có được kết quả tích cực, nhưng việc hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải là những việc làm thường xuyên, xuất phát từ thực tiễn phát triển của đất nước.
Vì vậy, ngay trong hội nghị lần thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đã chỉ đạo “Khẩn trương hoàn thành, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và trong hoạt động báo chí, truyền thông”.
Như vậy, sẽ không có quyền lực nào đứng ngoài “lồng cơ chế”, và cũng không có quyền lực nào có thể vượt ra ngoài việc kiểm tra, giám sát.
Còn với những cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quyền lực nhà nước cũng sẽ được kiểm soát bằng cơ chế, soi xét bằng trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Nguồn vietnamnet