BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sớm khắc phục tình trạng “9 không”

Cập nhật ngày: 22/11/2013 - 05:04

Sáng 22.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy với tỷ lệ tán thành 85,74%  trên tổng số đại biểu. Quốc hội cũng đã thảo luận ở Hội trường về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về vấn đề này, Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp ghi nhận, từ đầu nhiệm kỳ QH Khóa XIII đến nay, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết còn nhiều hạn chế.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao rà soát lại, báo cáo rõ hơn những văn bản thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào chưa được triển khai thực hiện tốt, từ đó xác định nguyên nhân, trách nhiệm và có kiến nghị giải pháp cụ thể.

Bên cạnh đó, cần đánh giá mức độ tác động của các luật, pháp lệnh, nghị quyết được ban hành đi vào cuộc sống, tác động như thế nào đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, môi trường, đời sống của nhân dân…làm rõ và đánh giá cụ thể về tính khả thi trong việc dự trù và thực hiện nguồn kinh phí để thực hiện các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được ban hành.

Nhiều ý kiến thảo luận tại Hội trường sáng nay bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo của Ủy ban Pháp luật về vấn đề này. ĐBQH Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng vẫn còn tình trạng “nợ” văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt có những văn bản chỉ tồn tại trong thời hạn quá ngắn; từ đó dẫn đến việc luật chậm đi vào cuộc sống, tính nghiêm minh và nhất quán của pháp luật không được bảo đảm. Nhiều chính sách được quy định trong luật và pháp lệnh nhưng không thể thực hiện được do không có văn bản hướng dẫn, đơn cử như việc giải quyết chế độ chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học dioxin...

Đại biểu Thụy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp những dự án luật không bảo đảm quy định. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn, bảo đảm đủ nguồn lực cho công tác này để sớm khắc phục tình trạng “9 không” đang tồn tại trong thực tế ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Đó là “không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên lượng trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực”.

Nhìn nhận rằng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong suốt nhiệm kỳ Khóa XIII của Quốc hội là rất lớn, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lưu ý: Khi thông qua Hiến pháp sửa đổi thì số lượng luật, pháp lệnh phải thông qua tại Kỳ họp thứ Mười sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là một áp lực cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, do số lượng luật lớn, nhiều luật có nội dung dài nên khả năng tiếp thu của các đối tượng điều chỉnh còn thấp. Trong khi đó, khả năng tuyên truyền luật, pháp lệnh chưa sâu rộng; việc phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo, tổ biên tập còn thiếu đồng bộ, chất lượng cán bộ tham gia soạn thảo văn bản còn hạn chế... Ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị ban soạn thảo khi đề xuất luật cần xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống, các chính sách phải phù hợp với ngân sách, tính khả thi cao.

(Theo SGGPO)