BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sống mãi với thời gian: Một giọng thơ khác biệt

Cập nhật ngày: 07/07/2012 - 01:06

(BTN)- Thanh Thảo thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông tên thật là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê quán huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông xung phong vào Nam chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà khốc liệt. Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” in trong sách Văn học lớp 12, tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông. Độc giả chú ý thơ ông qua những tập thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến. Ông đã nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979, giải thưởng Ban Văn học quốc phòng an ninh, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 và giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về văn học nghệ thuật năm 2001.

Nhà thơ Thanh Thảo

Trong đời người, một trong những ngày trọng đại và nhớ mãi là ngày cưới, ngày thành lập gia thất. Song cái ngày trọng đại ấy lại là một ngày mưa gió và lũ lụt, nó càng gây ấn tượng thêm không chỉ cho người trong cuộc mà còn cho bà con hai họ và bạn bè của cô dâu, chú rể. Bài thơ Đám cưới ngày lũ lụt của Thanh Thảo đã kể lại một đám cưới như thế ở quê ông: “Ngày đẹp nhất, sách đã chỉ thầy đã coi/ lại là ngày lũ quét/ mưa xối xả nước xiết/ xoá phẳng con đường và cánh đồng”. Lũ quét ở miền Trung bao giờ cũng dữ dội, ác liệt, các từ “xối xả, xiết”, đã miêu tả điều đó. Hình ảnh “xoá phẳng con đường và cánh đồng”, để chỉ sức mạnh của nước, của lũ lụt, đủ sức san phẳng mọi thứ mà nước chảy qua. Lời thơ như lời kể chuyện: “Chú rể mặc áo vét, xắn quần/ cô dâu không áo cưới nhiều tầng”, bình tĩnh đến kỳ lạ, không chút chùn bước: “Cả hai họ tưng bừng lội nước/ chú rể cô dâu cầm tay nhau về đích/ nước trôi nước lũ sáng trời”. Chú rể cô dâu nắm tay nhau, ắt hẳn là chia sẻ và âu yếm lắm. Họ “đã về đích”, có nghĩa là đã thoả ước ao thành chồng, thành vợ. Và căn nhà hạnh phúc, tổ ấm của họ đã đón họ về. Bài thơ tưởng như đã hết, song cái hình ảnh “Nước trôi nước lũ sáng trời” lại là dấu hiệu của những gian nan vất vả mới mà hai vợ chồng vừa mới cưới nhau phải đương đầu, chống chọi…

Hai câu ca dao cổ của người miền Trung, được tác giả xen vào giữa bài thơ: “Đừng chê phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”… Như một khẳng định vượt qua sóng nước lũ lụt, thân phận khó nghèo mà ươm mầm cho một giấc mơ mới, quyết tâm mới, có lẽ nhà thơ đã ngầm bày tỏ một thông điệp: “thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”?

Bài thơ chuyển sang thể loại lục bát, lời thơ là một cung điệu mới, gần với hát nói, hát vè: “Bền gan đám cưới quê tôi/ trong mưa xối vẫn ấm đôi bạn lòng/ cách nhau chỉ một quãng đồng/ mà lũ lụt hoá mênh mông thế này”. Có lẽ không cần bình luận nữa, độc giả đã quá rõ ràng, bởi lời thơ giản dị, giống như lời ăn tiếng nói của dân mình: “Còn chồi chắc sẽ còn cây/ còn tình yêu tất có ngày nở hoa” rất khác so với phong cách thơ của Thanh Thảo. Thêm một sự khẳng định của quy luật sinh tồn: chồi – cây và tình yêu – nở hoa. Một đám cưới như bao nhiêu đám cưới khác trên đất nước ta, song cái khác lạ là đám cưới trong ngày lũ lụt, lại ở một miền quê nghèo khó. Nhà thơ không mong gì hơn là đôi vợ chồng ấy hạnh phúc, yêu thương quý trọng lẫn nhau để cùng chung lưng đấu cật vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống (phận khó) và cả sự khắc nghiệt của thiên nhiên (lũ lụt).

Hai câu lục bát kết lại bài thơ, tưởng chừng tách bạch, không ăn nhập gì đến bài thơ, giống như cái chép miệng, thở than cùng với bà mẹ: “Nước dâng mấp mé hiên nhà/ mẹ ơi đám cưới lội qua tháng mười” lại chính là sự đồng cảm, chia sẻ, bởi phía trước vẫn còn cả mùa lũ kéo dài đến gần chạp. Có nghĩa là còn có những thử thách cho cặp vợ chồng mới cưới, cho tất cả mọi người. Bởi lũ lụt, thiên tai chẳng thể chừa một ai, nếu không biết cách khắc phục và vượt qua nó…

TRẦN HOÀNG VY