Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sông Vàm Cỏ Đông tiếp tục ô nhiễm
Thứ ba: 21:33 ngày 20/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khoảng 1 tháng nay, nước sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành đến xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, bị chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối khiến người dân sống 2 bên bờ sông vô cùng bức xúc về tình trạng ô nhiễm của đoạn sông này.

Dù nuôi cá tạp nhưng cá tra vẫn thỉnh thoảng chết trong bè cá.

Theo người dân sống nơi đây, cứ như “đến hẹn lại lên”, mỗi khi bắt đầu vào mùa mưa là nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông lại ô nhiễm. Người dân nghi ngờ nguồn nước tại đoạn sông này bị ô nhiễm là do các lò mì khu vực xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, nhất là thời điểm trời mưa (!?)

Người dân nghi ngờ lò mì lén xả thải!

Theo ông Mai Văn Phong, một hộ dân nuôi cá bè tại ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành, do nguồn nước sông bị ô nhiễm khiến người nuôi cá bè lao đao. Cá nuôi bè nhất là những loại cá nhạy cảm với nước bị ô nhiễm như cá lóc bị chết khá nhiều. Hiện nay nhiều người nuôi cá lóc không còn dám mạo hiểm nuôi loại cá này mà chuyển sang nuôi những loại cá tạp như cá tra, thác lác…

Ông Phong cho rằng chỉ những người sống ở khu vực này mới cảm nhận được sự ô nhiễm của đoạn sông này như thế nào. Đặc biệt, vào buổi trưa, nước sông bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây khó chịu. Ônh Phong nghi ngờ rằng, nguồn nước sông ô nhiễm một phần là do nguồn nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở sản xuất chế biến tinh bột khoai mì ở xã Trường Đông theo các kênh rạch xả ra?!

Đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi tìm đến khu vực con rạch từ xã Trường Đông đổ ra sông Vàm Cỏ Đông thuộc ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành. Tại khu vực cầu Rạch Rễ nơi con rạch đỗ ra sông, nước rạch có mùi hôi có thể cảm nhận bằng khứu giác và chuyển màu đen.

 Một người bán kiểng cặp chân cầu Rạch Rễ sát bên con rạch cho biết, khoảng một tháng qua con rạch này ô nhiễm bốc mùi hôi nồng nặc, nhất là vào thời điểm buổi trưa nắng gắt. Mùi hôi bốc lên rất khó chịu, ngay cả những người sống lâu năm ở khu vực này cũng khó có thể nghĩ ngơi được vì mùi hôi.

Người dân nơi đây cho rằng, vấn đề ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông đã nên nhức nhối cho những người dân mưu sinh trên sông này như nguồn lợi thủy sản ngày càng ít, người nuôi cá bè thì luôn ở trong tâm trạng hồi hộp…Do đó nếu nhà nước cần có giải pháp căn cơ để xử lý, không để tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông cứ thường xuyên bị ô nhiễm như vậy.

Các bè cá khu vực bến kéo hiện nay chỉ phần lớn nuôi cá tạp như cá tra do người nuôi cá không dám mạo hiểm nuôi cá lóc do nguồn nước thường xuyên bị ô nhiễm.

Cơ quan chức năng cho rằng nước sông ô nhiễm một phần do …lục bình (!?)

Theo Phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Hòa Thành, vào ngày 5. 3.2021, trước tình trạng cá nuôi bè chết trên sông Vàm Cỏ Đông (đoạn ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam), Sở Tài nguyên và môi trường đã phối hợp với cơ quan chuyên môn thị xã và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra khảo sát thực tế.

Tại thời điểm khảo sát, thời điểm thủy triều xuống, nước không màu (bình thường), không mùi hôi, lục bình dày đặc, cá tự nhiên và cá bè nuôi không chết. Theo ý kiến hộ nuôi cá Vương Văn Tẩu thì cá nuôi bè chết khoảng 1 tuần trước, hiện tại không còn chết, thời điểm cá chết nước sông không thay đổi.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu, phân tích nước mặt tại khu vực cảng Bến Kéo để so sánh với QCVN 08 –MT:2015/BTNMT, cột B – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mặt nước dùng cho mục đích tưới tiêu thủy lợi hoặc các mục đích khác có yêu cầu chất lượng tương tự.

Kết quả cho thấy hàm lượng oxy hòa tan ( DO) = 084mg/1 thấp hơn quy chuẩn 4,76 lần, các chỉ số còn lại đạt quy chuẩn. Đồng thời, kết quả quan trắc nước sông Vàm Cỏ Đông tại trạm quan trắc tự động, liên tục từ cầu Bến Sỏi cầu Gò Dầu các thông số như hàm lượng DO có dấu hiệu giảm dần và các thông số như COD….tăng dần so với tháng 1 và tháng 2.2021.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường, qua kết quả khảo sát thực tế, lấy thông tin từ người dân và ý kiến của các đơn vị liên quan có thể nhận định, đánh giá cá nuôi bè chết ở phạm vi nhỏ, cá tự nhiên không chết, nhưng lục bình dày đặc, nguyên nhân cá nuôi bè chết do hàm lượng DO trong nước thấp. Hiện nay đang vào thời điểm nắng, nóng nhất trong năm, mực nước sông giảm mạnh, dòng chảy yếu, hàm lượng các chất ô nhiễm tồn đọng trong nước sông tăng, tạo điều kiện lục bình phát triển.

Do đó để bảo vệ môi trường nước và nguồn lợi thủy sản trên sông Vàm Cỏ Đông mùa khô năm 2021, Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị UBND các huyện, thị xã : Hòa Thành, Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng chỉ đạo các phòng chuyên môn chủ trì phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn có địa phận giáp với sông Vàm Cỏ Đông  phải chủ động xác minh, thu thập thông tin về tình hình cá chết trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thuộc thẩm quyền có dấu hiệu xả thải gây ô nhiễm môi trường nước sông, suối, kênh, rạch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác đẩy đuổi, xử lý lục bình và tuyên truyền vận động người dân không cấm cọc chà chắn giữ lục bịch trên sông, rạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuyên truyền người dân thường xuyên giám sát và cung cấp thông tin kịp thời, nhanh chóng việc các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường theo số điện thoại đường dây nóng của Sở Tài nguyên và môi trường.

Nước con rạch từ xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành đổ ra sông Vàm Cỏ Đông tại cầu Rạch Rễ ( ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành) mặt nước thường xuyên bị ô nhiễm và có mùi hôi.

Sở Giao thông vận tải đề nghị đơn vị thực hiện trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông điều tiết các thiết bị, phương tiện đến xử lý lục bình tại khu vực ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, không để lục bình ùn ứ, tạo thông thoáng cho mặt sông, đặc biệt các đoạn sông uốn khúc, hẹp, dòng chảy yếu, các khu vực thường xuyên xuất hiện lục bình. Lục bình sau khi cắt, băm phải có phương án thu gom, vận chuyển về khu vực lưu chứa, không xả lại trên mặt sông sẽ làm gia tăng ô nhiễm.

Thế Nhân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục