BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sử dụng đất cơ bản đạt được các chỉ tiêu

Cập nhật ngày: 20/10/2011 - 11:56

Chiều 20.10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020.

Theo Tờ trình của Chính phủ các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001-2010 về cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu Quốc hội quyết định, trong đó có 33 chỉ tiêu đạt trên 90%, 5 chỉ tiêu đạt từ 70% đến dưới 90%, 4 chỉ tiêu đạt từ 60 đến dưới 70% và 2 chỉ tiêu đạt dưới 60%.

Một số chỉ tiêu cụ thể về đất nông nghiệp đến năm 2010 có 26.226.000 ha, tăng 4.694.000 ha vượt chỉ tiêu Quốc hội duyệt là 0,002%; Đất sản xuất nông nghiệp, đến năm 2010 có 10.126.000 ha, tăng 556.000 ha. Diện tích này không giảm mà còn cao hơn chỉ tiêu được giao; Đất lúa nước chỉ tiêu Quốc hội cho phép giảm 407.000 ha, trong 10 năm thực hiện giảm 270.000 ha, so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt đạt 103,5% đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực, tuy nhiên một số địa phương có tốc độ giảm tương đối nhanh như các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ chủ yếu chuyển sang các xây dựng các khu công nghiệp (KCN), đô thị, Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, cây ăn quả.

Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm diện tích đất trồng lúa

Đất lúa nước tuy giảm nhưng năng suất lúa tiếp tục tăng từ 42,4 tạ/ha lên 53,2 tạ/ha, sản lượng lúa tăng từ 32,5 triệu tấn lên 38,9 triệu tấn. Bình quân đạt 460 kg/người/năm đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời xuất khẩu gạo bình quân đạt 5-6 triệu tấn/năm.

Về đất ở tại đô thị, năm 2000 có 72.000 ha, chỉ tiêu Quốc hội duyệt là 111.000 ha, thực tế đến năm 2010 có 134.000 ha, tăng thêm 62.000 ha so với năm 2000, vượt 20,72% so với Quốc hội duyệt. Nguyên nhân diện tích ở đô thị tăng do 10 năm qua đã có nhiều đô thị mới được thành lập chuuyển từ nông thôn thành phường, thị, trấn.

Về đất KCN cả nước đã có 267 KCN với tổng diện tích 72.000 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân gần 46%. Các KCN đã tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động và tạo công ăn việc làm cho 1,5-1,8 triệu lao động gián tiếp…

Về phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Chính phủ đổi mới trong việc xác định chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng cấp. Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia Quốc hội quyết định các tiêu tổng hợp, quan trọng. Theo đó, Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia gồm 13 chỉ tiêu. Phương án quy hoạch đất cấp quốc gia xác định các chỉ tiêu trình Quốc hội quyết định: Đất nông nghiệp, quy hoạch diện tích đất nông nghiệp của cả nước đến năm 2020 là 26.732.000 ha, tăng 506.000 ha so với năm 2010.

Trong đó, quy hoạch đất trồng lúa được xác định là 3.812.000 ha, giảm 308.000 ha so với năm 2010, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 2 vụ trở lên là 3.222.000 ha; Đất KCN không bao gồm cụm công nghiệp là 200.000 ha, tăng 128.000 ha so với năm 2010; Đất ở tại đô thị, theo quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050, quy hoạch đến năm 2020 đất ở đô thị là 202.000 ha. Ngoài ra là các loại đất khác như hạ tầng, giáo duc- đào tạo, đất phi nông nghiệp, an ninh-quốc phòng…

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ đất chưa đưa vào sử dụng của cả nước hiện còn 3.164.000 ha. Trong thời kỳ quy hoạch sẽ khai thác khoảng 1.681.000 ha để sử dụng vào các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp. Như vậy, đến năm 2020 quỹ đất chưa sử dụng của cả nước còn lại khoảng 1.483.000 ha.

Về kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015), trên cơ sở phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (211-2015) được xây dựng cho từng chỉ tiêu sử dụng đất của kỳ kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu đất đai theo từng giai đoạn để thực hiện các mục tiêu.

Dự báo để lập quy hoạch chưa sát với thực tế

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, Quốc hội khoá XIII nhất trí cơ bản với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo các Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, đối với một số chỉ tiêu cụ thể, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, mặc dù đất lúa nước đạt 103,55% vượt chỉ tiêu, nhưng 10 năm qua đã sử dụng 270.000 ha chuyển cho các mục đích sử dụng khác. Việc lấy đất chuyên trồng lúa nước có năng suất cao để phát triển công nghiệp, đô thị trong khi có thể bố trí trên các loại đất khác vấn diễn ra ở các địa phương. Đất KCN đầu tư còn dàn trải, một số KCN triển khai chậm, nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính phải dừng lại… tỷ lệ lấp đầy bình quân thấp, chỉ đạt 45,63%, trong khi đó đất cơ sở kinh doanh vượt cao, đạt tới 211,36%. Đất ở tại đô thị đạt 120,72%, nhưng nhiều khu đô thị còn để trống, nhiều khu có mật độ xây dựng dày, không đủ điều kiện phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, tại một số vùng đất rừng phòng hộ giảm mạnh do chuyển sang rừng đặc dụng, rừng sản xuất và xây dựng các công trình thuỷ điện.

Theo Uỷ ban Kinh tế, công tác dự báo để lập quy hoạch chưa sát với nhu cầu thực tế, công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ, việc tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa nghiêm.

Nhất trí với mục tiêu giữ diện tích đất lúa ở mức 3,8 triệu ha

Uỷ ban Kinh tế cơ bản nhất trí với quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án cũng như việc đổi mới nội dung việc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 2011-2015

Về 13 chỉ tiêu trong Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia mà Chính phủ trình Quốc hội, ngoài các chỉ tiêu như Chính phủ đã trình, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối vì đất rừng sản xuất chiếm gần nửa đất lâm nghiệp ảnh hưởng lớn đến độ che phủ của rừng và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.. Đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối ngoài mục đích kinh tế, còn có ý nghĩa quan trọng về ổn định xã hội

Về nhóm đất nông nghiệp, đối với đất trồng lúa, Uỷ ban Kinh tế nhất trí với mục tiêu giữ diện tích đất lúa ở mức 3,8 triệu ha để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong dài hạn và dành một phần xuất khẩu. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý, thứ nhất giảm diện tích đất trồng lúa, trong khi vẫn đặt ra nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực thì phải đẩy mạnh thâm canh, nâng hệ số sử dụng đất cao hơn. Đây là thách thức không nhỏ trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm thực mặn. Thứ hai, tốc độ đô thị hoá và phát triển công nghiệp như hiện nay, nhiều địa phương có nhu cầu chuyển đổi đất trồng lúa vào mục đích khác việc giữ diện tích 3,8 triệu ha đất lúa đòi hỏi nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và cần khôanh định rõ diện tích đất trồng lúa để bảo vệ nghiêm ngặt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cân nhắc diện tích đất dành cho khu công nghiệp

Đối với đất KCN, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cho rẳng các KCN giữ vai trò quan trọng trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp còn nhiều bất cập. Việc quy hoạch xây dựng mới các KCN cần dựa trên lợi thế cạnh tranh, chú trọng quy hoạch theo vùng. Cần cân nhắc, tính toán hiệu quả kinh tế -xã hội việc tăng diện tích KCN từ 72.000 ha lên 200.000 ha đến năm 2020.

Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng, việc phát triển các KCN nên tận dụng đồi núi, lấn biển tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng này, tính toán chặt chẽ đối với đồng bằng đảm bảo diện tích trồng lúa theo quy hoạch. Quy hoạch các KCN cần dự trù nhu cầu tăng theo của các loại đất khác. Phê duyệt xây dựng KCN mới cần căn cứ vào tỷ lệ lấp đầy của kCN trong phạm vi địa phương.

Về đất ở đô thị, Uỷ ban Kinh tế cho rằng hiện nay còn có sự trùng lắp, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và quuy hoạch xây dựng. Quy hoạch các khu đô thị phải căn cứ vào mức độ phát triển kinh tế-xã hội, khả năng tài chính của nhà đầu tư, thu nhập nhu cầu của người dân, đảm bảo cân đối cung cầu, chống đầu cơ…

Đối với kế hoạch sử dụng đất 5 năm, Uỷ ban Kinh tế tán thành với Kế hoạch Chính phủ trình. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần xem xét tính toán lại đối với diện tích đất dành cho khu công nghiệp. Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 tăng từ 72.000 ha lên 150.000 ha là quá nhanh, dẫn đến không đạt kế hoạch hoặc hiệu quả kinh tế thấp. Mặt khác, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tình hình thế giới hiện nay thì việc thu hút nguồn đầu tư chậm hơn, vì vậy cần tính toán kỹ, đảm bảo nguồn lực thực hiện.

Về kế hoạch đưa 1.067.000 ha đất chưa sử dụng vào khai thác, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị, Chính phủ cần xác định cụ thể chương trình khai hoang, phục hoá và các giải pháp để sử dụng diện tích đất này; đồng thời có biện pháp thu hồi đất đã giao để hoang hoá.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Báo cáo và Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012; Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; Báo cáo về Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015.

(Theo VOV)