BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sử dụng hiệu quả nguồn nước bổ sung từ hồ thủy điện

Cập nhật ngày: 07/02/2017 - 16:58

Theo kế hoạch đã thống nhất giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bắt đầu từ 0 giờ ngày hôm nay (6-2) các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà sẽ xả nước đợt 3, cũng là đợt xả nước cuối cùng phục vụ khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ làm đất gieo cấy hơn 620 nghìn ha lúa vụ đông xuân. Đợt xả nước này dự kiến kết thúc vào ngày 13-2.

Nhờ lượng nước bổ sung qua hai đợt xả trong tháng 1, gần 480 nghìn ha ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nước để gieo cấy, đạt hơn 77% tổng diện tích gieo trồng. Trong đó nhiều địa phương có diện tích đủ nước cao như Hải Phòng (100%), Hà Nam (97,18%), Thái Bình (97,63%), Ninh Bình (94,15%), Nam Định (89,63%), Phú Thọ (89,43%). Nhưng vẫn còn những địa phương đang có diện tích đủ nước thấp, như Hà Nội (55,82%), Vĩnh Phúc (61,53%), Bắc Ninh (69,48%), Bắc Giang (21,84%)… Đợt xả nước thứ ba là cơ hội tiếp theo giúp các địa phương lấy nước phục vụ làm đất gieo cấy lúa đông xuân. Tuy nhiên, việc tổ chức lấy nước và gieo cấy vụ này đang bị tác động lớn bởi nhiều yếu tố. Đó là thời tiết giao mùa khi đông qua, xuân tới, nóng lạnh bất thường, cộng với những cơn mưa trái mùa dễ gây tâm lý chủ quan; lại đúng vào thời điểm không khí hội hè, du xuân vẫn còn tràn ngập khắp các làng quê.

Vì vậy, để bảo đảm cho vụ đông xuân - vụ quan trọng nhất của khu vực trung du và đồng bằng sông Hồng, chiếm 60% sản lượng lương thực của toàn vùng đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp đã có những bộ giống tốt, ngắn ngày, phù hợp, xây dựng và ban hành lịch tổ chức sản xuất, gieo cấy với khung thời vụ tốt nhất là từ sau Tiết lập Xuân (ngày 3-2) cho đến hết tháng 2. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy lợi cần phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc lấy nước của các địa phương, nhất là các địa phương sau hai đợt lấy nước đang có diện tích đủ nước thấp, chủ động trữ nước vào các khu trũng, nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh mương để đưa nước lên ruộng; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân vui đón xuân mới nhưng không quên ra đồng khai thông dòng chảy, đắp bờ vùng, bờ thửa giữ nước không để rò rỉ, thất thoát; đồng thời có kế hoạch làm đất và gieo cấy trong khung thời vụ đã khuyến cáo. Những địa phương có diện tích đã đủ nước thì tập trung cho cấy đại trà và giữ nước chuẩn bị tưới dưỡng.

Các địa phương có diện tích đủ nước thấp cần chuẩn bị mọi phương tiện phục vụ lấy nước; chú ý điều hòa nguồn nước nội đồng hợp lý, ưu tiên vùng cao trước, vùng thấp sau, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nước. Vận động nhân dân làm đất ngay bởi diện tích cây vụ đông thu hoạch muộn không có thời gian ngâm ải, cần làm đất sau khi mặt ruộng đã có nước để vừa giữ nước, vừa bảo đảm thâm canh ngay từ khâu làm đất.

Ngoài ra, các địa phương cần tranh thủ các kỳ triều cường và các nguồn nước sẵn có khác để trữ nước, cấp nước vào đồng ruộng, ao hồ khi điều kiện cho phép, góp phần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước xả bổ sung từ các hồ thủy điện.

Nguồn Báo Nhân dân