Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sư Thích Thanh Toàn có được giữ khối tài sản hơn 300 tỷ khi hoàn tục?
Thứ ba: 19:38 ngày 08/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
"Phải xem lại vì sao chính quyền giao đất cho cá nhân sư Toàn làm trang trại trong khi ông ta là nhà sư, không phải doanh nghiệp hoặc dân địa phương?", luật sư Cồ Lê Huy nói.

Đại đức Thích Thanh Toàn - người bị tố gạ tình nữ phóng viên - đã được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận nguyện vọng xả giới, hoàn tục.

Trong cuộc họp ngày 5/10, sư Toàn đã xin Ban Trị sự cho giữ lại những tài sản trị giá hơn 300 tỷ thuộc quyền sở hữu của mình, trong đó có diện tích lớn đất ruộng mua của người dân xung quanh chùa Nga Hoàng.

Sư Toàn giải thích rằng trong quá trình trụ trì tại chùa Nga Hoàng, ông có vay nợ một số nơi để kiến thiết, tu bổ ngôi chùa. Nay muốn giữ lại những mảnh đất mua của người dân để trang trải công nợ.

Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu việc xin giữ lại tài sản của sư Toàn có hợp lý?

Vì sao chính quyền giao đất cho nhà sư?

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Cồ Lê Huy (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cần phải xác minh nguồn gốc tài sản đất đai của sư Toàn. Bởi sư thầy đi tu rồi thì không thể tham gia kinh doanh hoặc lập doanh nghiệp. Cần đặt câu hỏi với địa phương rằng tại sao lại giao đất cho cá nhân sư Toàn.

"Phải xem lại vì sao chính quyền lại giao đất cho cá nhân sư Toàn làm trang trại trong khi ông ta là nhà sư, không phải doanh nghiệp hoặc dân địa phương?", luật sư Huy đặt vấn đề.

Sư Thích Thanh Toàn. Ảnh: Phatgiao.org.vn.

Luật Tôn giáo có quy định các tài sản do người dân, phật tử đóng góp là của chung. Luật Đất đai cũng có quy định giao đất phải đúng đối tượng. Cho nên theo luật sư, nếu chính quyền địa phường giao đất sai đối tượng thì có thể xử lý bằng Luật Đất đai.

"Về mặt quyền nhân thân, tu sĩ cũng là công dân, họ có quyền nhận đất để canh tác. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước phải xem chính xác họ có khả năng làm hay không để giao?".

Về tài sản riêng, theo luật sư, luật không quy định nhà tu hành không được có tài sản riêng. Vì họ cũng là công dân nên đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu tài sản đó hợp pháp thì họ có quyền sở hữu.

Tuy nhiên, nhà sư bình thường khó có thể sở hữu số tài sản lớn lên đến trăm tỷ như vậy. Tài sản có trước khi đi tu thì có thể được hưởng thừa kế nhưng cũng phải hợp lý và hợp pháp. Điều này cần phải được Giáo hội Phật giáo lên tiếng.

Nhập nhằng tài sản cơ sở tôn giáo và cá nhân

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM), mặc dù dư luận nghi ngờ về tài sản của sư thầy, theo quy định của luật thì chỉ có thể làm rõ tài sản này khi có tố cáo, tranh chấp hay khởi kiện đòi tài sản. Lúc đó, cơ quan công an vào cuộc điều tra thì mới có căn cứ, còn bình thường, không có cơ sở để xác minh.

Phân tích thêm, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết những tài sản ngoài cơ sở tôn giáo thì không được đăng ký sở hữu với tư cách nhà chùa hay sư thầy Thích Thanh Toàn, mà sẽ mang tên thật của ông là Lê Hữu Long.

"Trong trường hợp có Giáo hội Phật giáo của các cấp huyện, tỉnh, Trung ương nghi ngờ thì có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa tranh chấp với sư Toàn. Quá trình giải quyết, tòa sẽ xác minh nguồn gốc tài sản có phải do tín đồ cho cá nhân hay góp cho tổ chức tôn giáo mà lại để tên ông. Xác minh được thì buộc tài sản đó phải trả lại cho chùa", luật sư Dũng nêu quan điểm.

Còn trường hợp không ai lên tiếng thì sẽ không có cơ sở để xác minh, điều tra nguồn gốc tài sản. Đây cũng chính là lỗ hổng của luật khi "nhập nhằng" giữa tài sản của tổ chức tôn giáo và tài sản đứng tên cá nhân.

Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Tôn giáo quy định khi tài sản của tín đồ góp vào cơ sở tôn giáo thì cấp cho cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, tài sản đó lại không được đứng tên cơ sở tôn giáo mà do cá nhân đứng tên.

Điều này dẫn tới bất cập là nguồn gốc tài sản không phải do cá nhân làm ra, nhưng trong trường hợp sư thầy mất mà không kịp để lại di chúc trả lại tài sản cho chùa thì theo Luật Dân sự về thừa kế, người ở cơ sở tôn giáo không được kế thừa mà con cái của nhà sư sẽ thừa hưởng tài sản đó. Hoặc trong trường hợp sư Toàn, khi ông hoàn tục thì tài sản đứng tên ông nên ông có quyền giao dịch, chuyển nhượng.

"Luật Tôn giáo nên quy định lại tài sản đó mang tên của tổ chức tôn giáo, chỉ cho nhà sư làm đại diện", luật sư đề xuất.

Ngày 23/9, báo Phụ nữ TP.HCM đăng tải bài viết với nội dung tố cáo đại đức Thích Thanh Toàn - trụ trì chùa Nga Hoàng - có hành vi gạ tình một nữ phóng viên.

Sư Toàn sau đó đã phải giải trình vụ việc trước Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Tam Đảo. Ông không phủ nhận những nội dung nữ nhà báo tố cáo mình nhưng biện minh rằng sự việc có tác động từ 2 phía.

Sau bê bối gạ tình, vị trụ trì chùa Nga Hoàng đã xin xả giới hoàn tục, từ bỏ mọi chức danh trong phật giáo.

Đại diện chính quyền địa phương nơi có chùa Nga Hoàng nhận xét sư Toàn có nhiều biểu hiện không bình thường và đã vi phạm các quy định về quản lý xây dựng trên địa bàn, bị các cơ quan quản lý nhiều lần nhắc nhở, xử phạt hành chính.

Chiều 7/10, hòa thượng Thích Thanh Duệ, Trưởng Ban trị sự, Trưởng Ban Tăng sự tỉnh Vĩnh Phúc, ký quyết định bãi nhiệm chức danh trụ trì và thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng đối với đại đức Thích Thanh Toàn.

Nguồn Zing

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục