BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sửa 8 luật để cải thiện môi trường đầu tư

Cập nhật ngày: 17/04/2009 - 04:22

Chiều ngày 16.4, Uỷ ban Thường vụ QH đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Đây là lần đầu tiên Quốc hội xem xét một luật sửa nhiều luật chuyên ngành khác nhau, với các nội dung phức tạp.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc giải thích, dự án luật này khắc phục những điểm còn vướng hoặc chồng chéo ở các luật khác về quy trình, thủ tục. Mục đích là đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần thực hiện các giải pháp kích cầu đầu tư. Ông Phúc kỳ vọng dự án luật mới mẻ này sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp thứ 5.

Đồng tình với mục tiêu này, nhưng các ủy viên UBTVQH kiến nghị chỉ sửa những vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, không cần thiết phải điều chỉnh tới 8 luật, trong đó, có những dự án luật mới thông qua năm ngoái.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho hay, bức xúc nhất là tiến độ các dự án dùng vốn nhà nước chậm, tiền giải ngân không hết chuyển sang năm sau rất lớn. Mà nguyên nhân là do thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều vướng mắc, rườm rà.

Trong khi đó, để góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư, cần gỡ ngay những vướng mắc về chỉ định thầu, quy trình, thủ tục đầu tư, giá đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Vì vậy, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận giải thích, "vướng" không chỉ do luật mà vì người thực thi, còn nếu công tâm làm hết trách nhiệm cũng không đến mức phải sửa một lúc 8 luật.

Phân cấp đầu tư

Một sửa đổi quan trọng lần này ở Luật đấu thầu đó là sẽ phân cấp mạnh hơn cho chủ đầu tư từ phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, xử lý tình huống trong đấu thầu cho đến quy định rõ người có thẩm quyền được quyết định các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp, gồm cả chỉ định thầu.

Điều này được kỳ vọng sẽ tăng cường tính chịu trách nhiệm và giải trình của chủ đầu tư nhưng Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật thì cho rằng nếu để chủ đầu tư toàn quyền có thể dẫn tới sự lạm quyền, khép kín. Hoặc, có thể lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm.

Thực tế, hiện nhiều chủ đầu tư rất hạn chế về năng lực và kinh nghiệm, đặc biệt ở các địa phương nên khi được giao nhiều quyền hơn trong việc đầu tư chi tiêu tiền của nhà nước không những không tạo được sự chủ động, linh hoạt mà sẽ dẫn tới hoặc làm bừa, hoặc lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.

Theo thuyết minh của ban soạn thảo, hiện chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt dự toán làm cơ sở để xét duyệt trúng thầu, phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả chọn nhà thầu. Tuy nhiên, định mức, đơn giá chỉ là để tham khảo. Việc chỉ định đơn vị dưới quyền thẩm định trước khi phê duyệt cũng do người đứng đầu của chủ đầu tư quyết định. Như vậy, tất cả đều do chủ đầu tư mà không có một cơ quan chuyên môn độc lập tham gia giám sát (thẩm định) trong toàn bộ quá trình lựa chọn.

Việc hậu kiểm trong đầu tư, đấu thầu được chú trọng nhưng khi phân cấp mạnh mẽ sẽ khó làm toàn diện, hoặc chỉ phát hiện được những "việc đã rồi".

Một hạn chế khác nữa của chủ trương phân cấp là năng lực các địa phương rất thấp, nhiều chủ đầu tư không có kiến thức chuyên môn về quản lý dự án, đấu thầu, xây dựng cũng như hiểu biết pháp luật. Điều này dẫn tới việc đầu tư, tiêu tiền Nhà nước kém hiệu quả, gây thất thoát và dàn trải.

Vì lẽ đó, tuy kiến nghị phân cấp mạnh hơn, nhưng Bộ KH&ĐT cũng cho rằng nên làm chọn lọc và thí điểm trước.

Còn theo ông Hà Văn Hiền, hiện nay các gói thầu phức tạp hay đơn giản thì quy mô đầu tư lớn hay nhỏ đều theo quy trình chung. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về gói thầu quy mô nhỏ, nội dung đơn giản (như xây dựng trường học, trạm xá...) và các quy định tương ứng về lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai để giảm thời gian thẩm định, phê duyệt đối với gói thầu này so với quy định chung nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Xây dựng khung giá đất 5 năm

Mặc dù Luật Đất đai sửa đổi cũng đang được bàn thảo nhưng ngay trong dự án luật liên quan đến đầu tư xây dựng lần này, Chính phủ cũng đề xuất sửa điều khoản quy định về giá đền bù giải phóng mặt bằng và xác định khung giá đất.

Luật hiện hành quy định việc bồi thường được áp dụng theo mức giá tại thời điểm có quyết định thu hồi. Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất sửa đổi theo hướng bồi thường theo mức giá tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thực tế, giá trị đất tại hai thời điềm này rất chênh lệch. Đây là nguyên nhân gây ra khiếu kiện, dẫn tới tiến độ giải phóng mặt bằng kéo dài. Một sửa đổi đáng lưu ý nữa là để không gây khó cho địa phương khi mỗi năm phải rà soát và xác định lại giá đất một lần, dự án luật đề xuất các tỉnh xây dựng phương án giá đất theo chu kỳ 5 năm.

Hiện nay, các nhà đầu tư phải mất một khoảng thời gian lớn cho việc thực hiện tất cả các thủ tục liên quan, gây lãng phí lớn về thời gian cũng như tiền bạc.

Sự lãng phí và chậm trễ còn do những người thực hiện chứ không chỉ vì những trói buộc của các điều luật.

Chính phủ đề nghị bổ sung 52 điều, khoản vướng mắc, bức xúc nhất trong 8 luật và 1 nghị quyết, đặc biệt quan tâm đến những vấn đề về trình tự, thủ tục đầu tư: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật phòng cháy, chữa cháy.

(Theo Vietnamnet)