BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sửa đổi Bộ Luật Tố tụng dân sự là cần thiết

Cập nhật ngày: 17/09/2010 - 09:11

Ngày 17.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự sau hơn 5 năm thực thi.

Khắc phục bất cập

Đây là Bộ luật có ảnh hưởng to lớn, liên quan đến trình tự, thủ tục tố tụng và xét xử trong quá trình bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong các hoạt động giao dịch dân sự hiện nay khi có tranh chấp và được khởi kiện ra toà án.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trương Hoà Bình nêu rõ, Bộ Luật tố tụng dân sự đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ, pháp chế XHCN, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng dân sự dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Từ đó, bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thi hành Bộ Luật này cho thấy một số quy định đã bộc lộ hạn chế, bất cập; có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác, có những quy định chưa phù hợp, chưa đầy đủ và thiếu rõ ràng.

“Có những quy định chưa đáp ứng được bảo đảm được quyền, lợi ích hợp ích hợp pháp của đương sự, cũng như chưa đáp ứng được các yêu cầu cam kết quốc tế đa phương và song phương”, Chánh án Trương Hoà Bình chỉ rõ.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự là cần thiết, qua đây cũng nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, từng bước hoàn thiện căn bản hệ thống pháp luật tố tụng dân sự nói chung và Bộ Luật tố tụng dân sự nói riêng.

Thảo luận cơ chế xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận là xây dựng cơ chế xử lý với những bản án, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC mà phát hiện sai lầm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức trong quá trình toà án xét xử.

Theo quy định hiện hành, Hội đồng Thẩm phán là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, do đó không ai có quyền kháng nghị quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Do đó, bất cập nảy sinh trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm có sai lầm.

Uỷ ban Tư pháp đề nghị cần quy định một thủ tục đặc biệt để Hội đồng Thẩm phán TANDTC được tự mình xem xét lại quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng. Do vậy, sau khi thống nhất với các cơ quan như Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Uỷ ban Tư pháp đã thiết kế bổ sung thêm cơ chế này vào 2 Điều luật trong lần sửa đổi, bổ sung này.

Theo quy định của dự thảo Luật, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có quyền kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai lầm nghiêm trọng. Hội đồng Thẩm phán TANDTC tiến hành phiên họp xem xét kiến nghị trên. Trường hợp nhất trí với kiến nghị trên thì Hội đồng Thẩm phán phải ra quyết định giao Chánh án TANDTC tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, quyết định.

Trường hợp Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC thì Viện trưởng VKSDNTC phải tham dự phiên họp và phát biểu ý kiến.

Tập trung thảo luận quy định này, đa số các đại biểu đồng tình với việc xây dựng cơ chế giải quyết vấn đề này.

Xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án Luật lớn, có nhiều vấn đề khó, trải qua thực tiễn xét xử đã bộc lộ nhiều bất cập. Đòi hỏi sửa đổi là bức thiết.

Qua thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định của dự thảo luật về sự tham gia của Viện Kiểm sát trong các vụ án dân sự, tham gia từ sơ thẩm để bảo đảm tính khách quan của bản án.

Đối với một số quy định về thời hiệu khởi kiện của vụ án dân sự, cần xem xét lại thời hiệu khởi kiện để bảo vệ quyền lợi, đây là vấn đề mới cần nghiên cứu, xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Xung quanh cơ chế xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, kinh nghiệm nước ngoài và gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp.

(Theo VOV)