Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sửa đổi chùm thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe
Thứ tư: 07:12 ngày 25/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc Bộ GD&ĐT nhìn nhận, sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thăm Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành

Sau khi ban hành và áp dụng, chùm thông tư nêu trên bộc lộ nhiều nhược điểm, vô lý, không sát thực tế, bị dư luận trong và ngoài ngành phản ứng gay gắt (hơn một năm qua, báo chí đã thông tin nhiều về câu chuyện này). Từ thực tế đó, cộng với chủ trương cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính bằng cách cắt bỏ hàng loạt “giấy phép con”, Bộ GD&ĐT quyết định sửa đổi chùm thông tư, dù chỉ mới áp dụng hơn một năm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT (quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông) để lấy ý kiến rộng rãi dư luận. Theo dự thảo, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên có nhiều thay đổi, cho thấy tinh thần cầu thị của Bộ GD&ĐT.

Bỏ quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng

Theo quy định về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng CDNN tại các Thông tư 01, 02 , 03, 04, giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN theo từng hạng và tương ứng với cấp học đang giảng dạy. Nội dung này bảo đảm tuân thủ thực hiện theo quy định chung về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức các ngành, lĩnh vực tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 của Chính phủ.

Tuy nhiên, ngày 18.10.2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 10.12.2021) và điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức chuyên ngành như sau: mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần. Như vậy, từ ngày 10.12.2021, quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN theo từng hạng tại chùm thông tư không còn đúng theo tinh thần của Nghị định 89. Do đó, Bộ GD&ĐT rà soát, xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm thông tư. Trong đó, điều chỉnh các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN, như trình bày sau đây: chỉ quy định 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN chung đối với các hạng giáo viên. Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN của cấp học đang giảng dạy trước ngày chương trình bồi dưỡng mới (triển khai Nghị định số 89/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành thì không phải bổ sung chứng chỉ theo quy định mới. Giáo viên mới tuyển dụng, giáo viên đã được bổ nhiệm nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN phù hợp với cấp học đang giảng dạy sẽ được cử tham gia khoá bồi dưỡng và lấy chứng chỉ trong một khoảng thời gian xác định để bảo đảm đạt các tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Khi chuyển từ hạng CDNN cũ sang hạng CDNN mới không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN.

Bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức

Khi thực hiện chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, dư luận trong ngành từng phản ứng gay gắt việc phân chia đạo đức nhà giáo theo hạng, vì quy định này không phù hợp, không cần thiết và không thể định lượng. Giáo viên ở bất kỳ hạng nào, có thâm niên nhiều hay ít, ở bất cứ cơ sở giáo dục nào cũng phải bảo đảm có chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp nói chung và đạo đức nhà giáo nói riêng. Giống như đạo đức xã hội là chuẩn mực chung, phải là giá trị phổ quát cho mọi người, do đó không nên tách ra để xếp hạng một cách máy móc theo từng loại.

Để thống nhất với các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở các văn bản quy định tiêu chuẩn CDNN khác, không làm xáo trộn việc đánh giá tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông như quy định trước đây tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông (đã được thay thế bởi Thông tư 01-04), Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng CDNN, bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng.

Không yêu cầu có bằng thạc sĩ

Theo quy định tại chùm thông tư, cụ thể trong Thông tư số 02, 03/2021/TT-BGDĐT, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy, hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Đối với cấp tiểu học, hạng I theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT là hạng mới được bổ sung so với quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV để bảo đảm việc chia hạng phù hợp với quy định về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học theo Luật Giáo dục 2019 và những yêu cầu của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Giáo viên tiểu học hạng II được bổ nhiệm vào CDNN giáo viên tiểu học hạng I khi được xác định là người trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng CDNN giáo viên tiểu học. Như vậy, khi Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT được ban hành thì chưa có giáo viên tiểu học hạng I. Khi nào cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc thăng hạng từ CDNN giáo viên tiểu học hạng II lên hạng I thì mới có trường hợp được bổ nhiệm CDNN giáo viên tiểu học hạng I.

Đối với giáo viên cấp trung học cơ sở, việc bổ nhiệm CDNN hạng I có 2 trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất, giáo viên trung học cơ sở hạng I cũ đạt tiêu chuẩn của hạng I mới (bao gồm cả đạt trình độ thạc sĩ theo quy định) thì được bổ nhiệm CDNN giáo viên trung học cơ sở hạng I mới (khoản 1 Điều 7 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT). Trường hợp thứ hai, giáo viên trung học cơ sở hạng I cũ chưa đạt tiêu chuẩn của hạng I mới (trong đó có trường hợp chưa có bằng thạc sĩ theo quy định) thì tạm thời bổ nhiệm CDNN giáo viên trung học cơ sở hạng II mới và giáo viên vẫn được bảo đảm về chế độ, chính sách hiện hưởng. Sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I mới thì bổ nhiệm vào CDNN giáo viên trung học cơ sở hạng I mới mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng (chi tiết tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT).

Ở trường hợp thứ hai, việc bổ nhiệm tạm thời vào CDNN giáo viên trung học cơ sở hạng II mới không phải là “rớt hạng” như tâm tư của một số giáo viên, mà là bổ nhiệm hạng tương ứng với mức độ đạt tiêu chuẩn theo quy định của hạng. Đồng thời, mọi chế độ, chính sách mà giáo viên hiện hưởng vẫn được bảo đảm, không có sự điều chỉnh nào. Tuy nhiên, việc này vẫn làm ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận giáo viên trung học cơ sở. Từ thực tế đó, Bộ GD&ĐT rà soát lại quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở trên cơ sở nghiên cứu yêu cầu của việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học và trung học cơ sở. Theo tinh thần rà soát, quy định giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có bằng thạc sĩ là không cần thiết.

Giảm hồ sơ minh chứng

Khi chùm thông tư được địa phương triển khai thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc, trong đó, giáo viên mầm non khi chưa đạt các tiêu chuẩn của CDNN hạng II nên được bổ nhiệm CDNN hạng III, được chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A0 (2,10). Tuy nhiên, Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT chưa hướng dẫn cụ thể việc xếp lương trong trường hợp này.

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở khi chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới được chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0), những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33, 3,66, 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.  Điều này rõ ràng không hợp lý. Do đó, khi rà soát, xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm thông tư, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu các phương án bổ nhiệm, xếp lương để khắc phục vướng mắc nói trên, bảo đảm nguyên tắc công bằng giữa giáo viên lâu năm và giáo viên có thời gian công tác ít hơn khi chuyển xếp lương trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

Trong quá trình nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ GD&ĐT dự kiến vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng CDNN nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Theo đó, khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn gồm trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác. Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Đối với giáo viên phổ thông, giữ nguyên thời gian giữ hạng III là từ 9 năm trở lên. Đối với giáo viên mầm non, điều chỉnh thời gian giữ hạng III từ 9 năm thành 3 năm trở lên, điều chỉnh thời gian giữ hạng II từ 6 năm thành 9 năm trở lên.

Việc Bộ GD&ĐT nhìn nhận, sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết. Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00. Giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc khi bổ nhiệm từ hạng CDNN cũ sang hạng CDNN mới.

Việt Đông

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục