BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động của đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội:

Sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước phải thể chế hoá các nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp 2013

Cập nhật ngày: 02/11/2014 - 10:23

ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến và ĐBQH Nguyễn Thành Tâm.

Các ĐBQH đề nghị làm rõ NSNN là thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, thể hiện rõ nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương gắn với nhiệm vụ chi quốc gia. Phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ gắn liền với phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương, theo đó, xác định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong quyết định dự toán NSNN, tránh trùng lắp và hình thức như thời gian qua.

Có cơ chế quy định cụ thể nhằm bảo đảm kỷ luật chi, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách, đặc biệt trong việc quản lý thu, chi NSNN cần tuân thủ và cụ thể hoá nguyên tắc cơ bản đã được quy định tại Điều 55 Hiến pháp 2013 là các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định.

Phải có cơ chế rõ ràng trong việc quyết định ban hành chính sách mới làm tăng chi NSNN phải bảo đảm cân đối được nguồn tài chính để thực hiện; kiểm soát bội chi NSNN và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, gắn trách nhiệm của người quyết định đi vay với trách nhiệm trả nợ. Đồng thời, khắc phục cho được cơ chế “xin - cho” trong việc phân bổ thu chi ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cũng đề nghị Luât NSNN (sửa đổi) lần này cần phải thống nhất với các luật khác, nhất là Luật Tổ chức chính quyền địa phương sắp tới Quốc hội sẽ cho ý kiến. Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến đề nghị dự thảo Luật NSNN sửa đổi lần này cần có một chương riêng để quy định chế tài cụ thể nơi nào, cấp nào thực hiện không nghiêm Luật NSNN thì phải xử lý nghiêm minh.

Đối với thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, tiền sử dụng đất (Điều 36), đại biểu Tâm cho rằng rất khó phân biệt rõ ràng số tiền thu được từ đất và từ hoạt động xổ số kiến thiết được sử dụng để đầu tư hay chi thường xuyên. Do vậy, trong sửa đổi Luật NSNN lần này, đề nghị chỉ quy định tổng số chi đầu tư phát triển phải lớn hơn bội chi NSNN, không quy định về tiền sử dụng đất và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết.   

Về chi chuyển nguồn (Điều 62), đại biểu Tâm cho rằng, để bảo đảm phù hợp với Luật Đầu tư công và hạn chế tối đa việc chuyển nguồn ngân sách, đề nghị bỏ quy định cho phép chuyển nguồn NSNN để phản ánh đúng số thực thu, thực chi và bội chi NSNN hằng năm.

Tương tự như chi chuyển nguồn, về ứng trước dự toán ngân sách năm sau (Điều 55), đại biểu Tâm đề nghị bỏ quy định về việc ứng trước dự toán ngân sách năm sau, bảo đảm phản ánh đúng các khoản thu, chi, bội chi NSNN thực tế phát sinh trong năm.

Hơn nữa, nếu cho phép ứng trước dự toán ngân sách năm sau thì sẽ không phù hợp theo quy định của Hiến pháp, đồng thời việc cho ứng trước sẽ hạn chế thẩm quyền quyết định NSNN của Quốc hội do phải hợp thức hoá các khoản đã ứng trước trong khi Quốc hội chưa xem xét ngân sách năm sau.

Về bội chi NSNN và mức dư nợ của chính quyền địa phương, đại biểu Tâm đề nghị quy định ngân sách địa phương được phép bội chi, theo đó, ngân sách cấp tỉnh được phép vay trong nước để đầu tư nhưng đề nghị mức bội chi do HĐND quyết định không vượt quá mức dư nợ các khoản vay của chính quyền địa phương theo quy định.

DUY-QUANG

(Lược ghi)