BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Đánh giá lại tác động của từng chính sách 

Cập nhật ngày: 26/06/2024 - 08:56

Trước quá nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ đánh giá lại tác động của từng chính sách tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (Dự thảo).

Toàn cảnh phiên thảo luận về Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.

Lo nông dân chịu thiệt

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo trong ngày đầu tiên của tuần này, nhiều vị đại biểu Quốc hội cùng chung quan ngại với quy định chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) sang đối tượng chịu thuế với thuế suất 5%.

Một trong những lý do đề xuất đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế suất 5% được Ban Soạn thảo giải thích là để giá phân bón giảm xuống.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, lý do này không thuyết phục.

Ông Cường dẫn báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính chỉ ra, từ tháng 1/2015 đến năm 2017, giá phân bón liên tục giảm sau khi chuyển từ thuế 5% xuống 0%. Đến tận năm 2018, giá phân bón mới bắt đầu tăng lên, do Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ không hoạt động hết công suất. Đến năm 2022, giá mặt hàng này tăng rất mạnh, do chiến tranh Nga - Ukraine.

“Do vậy, không có lý do gì để tăng thuế mà lại có khả năng giảm giá”, ông Cường quả quyết.

Vẫn theo đại biểu Cường, cũng không thể nói tăng thuế VAT với phân bón là nông dân được lợi. Bởi lẽ, theo báo cáo của Bộ Tài chính, không áp thuế VAT cho nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ khoảng 1.500 tỷ đồng. Nếu như có thuế VAT 5% sẽ thu thuế này được khoảng 5.700 tỷ đồng. Trong đó, bù trừ cho các doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, còn lại ngân sách có lãi khoảng 4.200 tỷ đồng.

“Vậy hỏi rằng, 4.200 tỷ đồng ngân sách thu và 1.500 tỷ đồng bù đắp cho doanh nghiệp sản xuất phân bón lấy ở đâu ra? Rõ ràng, tiền này lấy từ nông dân, bà con phải trả tiền nhiều hơn. Điều đấy thể hiện sự bất hợp lý. Chuyển từ không được khấu trừ đầu vào của doanh nghiệp sang không được khấu trừ đầu vào của nông dân, như vậy nông dân chịu thiệt hại”, vị đại biểu Hà Nội phân tích.

Từ phân tích đó, ông Cường đồng tình với nhiều đại biểu là nên áp dụng thuế với phân bón là 0% và các doanh nghiệp sản xuất phân bón được hoàn thuế VAT đầu vào.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), nông dân là chủ thể chính sẽ phải chịu sự tác động từ chính sách tăng thuế đối với mặt hàng phân bón lần này, nhưng tác động đến đối tượng này lại chưa được quan tâm, khảo sát và đánh giá một cách kỹ lưỡng.

“Trong báo cáo đánh giá tác động của Luật Thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính chỉ đề cập tác động tích cực của chính sách đến 2 nhóm đối tượng. Đó là doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ thuế để tạo ra sản phẩm phân bón có đủ sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu từ thuế nhập khẩu phân bón. Như vậy là chưa đầy đủ và chưa có tính thuyết phục”, ông Tuấn nhận xét.

Vị đại biểu Trà Vinh cho biết, mỗi lần đi tiếp xúc cử tri thì các đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương sản xuất nông nghiệp, trong đó có các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều được nghe người nông dân phản ánh là giá cả các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, đề nghị Nhà nước nghiên cứu, có giải pháp quản lý và hỗ trợ. “Tuy nhiên, đến nay, trong khi những kiến nghị và sự lo lắng ấy vẫn còn hiển hiện, thì Quốc hội lại tiếp tục thảo luận để bổ sung mặt hàng phân bón vào nhóm hàng hóa, dịch vụ phải chịu thuế với thuế suất 5%. Điều này chắc chắn sẽ làm cho người nông dân đã lo lắng, nay còn lo lắng nhiều hơn”, ông Tuấn phát biểu.

Đề nghị của vị đại biểu Trà Vinh là không tăng thuế suất VAT đối với mặt hàng phân bón, nhưng bổ sung doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước là đối tượng được khấu trừ thuế VAT đầu vào.

Cùng quan ngại, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội dẫn số liệu từ Bộ Tài chính, nếu áp thuế 5% với phân bón và một số vật tư nông nghiệp như Dự thảo, thì tăng thu ngân sách 6.300 tỷ đồng/năm.

Nhưng do đặc thù của nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện hạch toán để khấu trừ VAT đầu vào, nên áp 5% thuế VAT sẽ làm tăng giá thành nông sản, giảm cạnh tranh, giảm thu nhập của nông nghiệp, nông dân.

Như vậy, theo ông Lâm, tăng thuế thì doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng lợi nhuận, ngân sách nhà nước thì tăng thu, nhưng nông dân chịu thiệt. “Không nên thu của người nghèo trả cho người giàu”, ông Lâm nói.

Mỗi hộ nông dân một năm trả thêm 461.000 đồng

Hồi âm ý kiến đại biểu, Đại diện Ban Soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, hiện nay, sản lượng phân bón sản xuất trong nước đáp ứng 73,3% nhu cầu thị trường, còn nhập khẩu chiếm 26,7% (khoảng 4 triệu tấn/năm).

Theo ông Phớc, đề xuất áp thuế 5% với phân bón cũng tác động đến doanh nghiệp thông qua hoàn thuế, tạo một nguồn lực cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và phát triển một cách bền vững.

Hết sức bình tĩnh khi đánh giá những vấn đề Chính phủ đề xuất

Đây là luật thuế liên quan đến 25% thu ngân sách, liên quan tới mọi đối tượng, nên tôi nghĩ, cần phải có một sắc thuế thật sự trung lập, khách quan để xây dựng một nền tảng tài chính thật sự vững mạnh.

Tôi đề nghị chúng ta phải hết sức bình tĩnh khi đánh giá những vấn đề Chính phủ đề xuất. Tôi cho rằng, Chính phủ đề xuất áp thuế 5% đối với các mặt hàng phân bón, mặt hàng liên quan nông nghiệp cũng có cơ sở và phải đánh giá rất nhiều chiều để tránh việc người dân đang theo dõi, đánh giá Quốc hội, Chính phủ làm chính sách thế nào lại để thiệt hại đến hàng triệu người dân như vậy. Cần hết sức bình tĩnh để chúng ta phân tích cho thật thấu đáo.

- Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội

“Như vậy, nếu tính hoàn thuế cho doanh nghiệp 1.500 tỷ đồng, thì còn 4.200 tỷ đồng tác động đến dân 9,1 triệu dân. Chúng tôi cũng tính toán là mỗi hộ nông dân một năm trả thêm 461.000 đồng, một tháng là 38.000 đồng”, Bộ trưởng Tài chính nêu con số cụ thể.

Vẫn theo Bộ trưởng, cũng chưa hẳn nông nghiệp bị ảnh hưởng không tốt, vì có thể tác động bởi cung - cầu nữa. Nếu như nguồn cung tăng lên, thì giá sẽ hạ; nguồn cung thấp thì giá sẽ cao.

“Vấn đề này, chúng tôi sẽ đánh giá lại tác động một lần nữa để trình với Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay”, ông Phớc hồi âm đại biểu.

Bên cạnh mặt hàng phân bón, một số vị đại biểu cũng quan tâm thảo luận về ngưỡng doanh thu không chịu thuế. Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, thì hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế. Dự thảo đã quy định mức doanh thu hằng năm dưới mức do Chính phủ quy định.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị nghiên cứu quy định rõ mức doanh thu tối thiểu hằng năm là bao nhiêu và giao Chính phủ quy định từ mức tối thiểu đó trở lên. Trong đó, lưu ý việc điều chỉnh mức doanh thu hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh phải phù hợp với mức biến động của giá cả và tình hình sản xuất - kinh doanh.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh), cần quy định rõ mức doanh thu tối thiểu chịu thuế trong luật, bởi vì Hiến pháp quy định các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định. “Việc xác định doanh thu thuế VAT cũng sẽ tác động đến hoạt động thu ngân sách nhà nước trung ương và cả ngân sách của địa phương”, bà Thúy nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nói, Dự thảo quy định giao Chính phủ xác định, lấy mức giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân để tính mức tối thiểu khoảng 150 triệu đồng thì phải chịu thuế VAT.

Ông An cho rằng, nếu không quy định được ở trong Dự thảo, thì cần có tiêu chí để xác định mức doanh thu tối thiểu chịu thuế, có thể lấy theo giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân sắp sửa tới đây để áp mức doanh thu tối thiểu. “Vấn đề rất quan trọng này để quy định ở dưới luật thì không nên”, ông An nói.

Phân cấp cho Chính phủ là một việc hết sức quan trọng và đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình điều hành, Bộ trưởng Phớc hồi âm. Theo đó, căn cứ yếu tố trượt giá, tính toán cân đối với mức tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI)…, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định mức doanh thu tối thiểu chịu thuế.

“Tôi nghĩ, việc này giao Chính phủ sẽ linh hoạt hơn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu quan điểm.

Nguồn baodautu