Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Không chỉ có áo dài, cổ phục Việt là cả kho tàng phong phú với nhiều kiểu dáng độc đáo, thấm đẫm lịch sử văn hóa dân tộc. Những trang phục cổ xưa đang tìm thấy sức sống mới trong dòng chảy văn hóa đương đại, thông qua nhiều chương trình, hành động tôn vinh, quảng bá nét đẹp truyền thống.
Trình diễn cổ phục trong chương trình “Bách hoa bộ hành 2022” tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Khai mở kiến thức về trang phục cổ
Diễn ra từ gần một tháng trước (ngày 19-6), song chương trình “Bách hoa bộ hành 2022” tổ chức dưới hình thức diễu hành cổ phục trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vẫn để lại nhiều dư âm sâu sắc trong lòng công chúng và du khách. Chương trình quy tụ gần 100 diễn viên quần chúng ở mọi lứa tuổi, trình diễn nhiều kiểu trang phục cổ truyền, như: Áo bào, áo tấc, giao lĩnh, nhật bình, ngũ thân tay chẽn..., tạo nên bức tranh bừng sáng màu dân tộc.
Là một trong những người đăng ký tham gia từ ngày đầu phát động chương trình, chị Lê Bảo Ngọc (phố Nguyễn Khắc Cần, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Bách hoa bộ hành là dịp thể hiện tình yêu, niềm tự hào với trang phục truyền thống và có thêm thông tin, kiến thức về nhiều loại cổ phục qua các thời kỳ lịch sử đất nước. Thông qua sự kiện, tôi có những người bạn mới, cùng chia sẻ sự quan tâm cũng như hành động để gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa”. Còn theo ông Lê Đức Huy (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm), đây là cách quảng bá ấn tượng, truyền tải được tình yêu, cảm hứng tìm hiểu văn hóa dân tộc cho cộng đồng.
Trước đó, triển lãm “Trang phục Việt thời Nguyễn” tại không gian nghệ thuật MU Lala (phường Quảng An, quận Tây Hồ) cũng thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận, nhờ tái hiện sống động các mẫu trang phục cổ truyền, giúp người xem hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử dân tộc. Tại đây, người xem được nhìn ngắm, tìm hiểu lớp lang quy cách, thậm chí mặc thử trang phục dành cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội xưa.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga (đại diện đơn vị tổ chức triển lãm “Trang phục Việt thời Nguyễn”) cho biết: “Triển lãm giới thiệu những tác phẩm nghiên cứu, phỏng dựng sát nhất trang phục của người xưa dưới thời Nguyễn, cùng những đồ dùng, phụ kiện, như: Ô, hài, gương, lược, trang sức… được sưu tầm trong và ngoài nước. Qua đó đã mang đến cho công chúng cảm xúc và cái nhìn rõ ràng nhất về trang phục truyền thống, với kỳ vọng cổ phục tiếp tục đi xa hơn, chạm vào hiểu biết, tình cảm của nhiều người hơn”.
Mang những giá trị xưa đến gần hơn với cộng đồng
Không phải đến bây giờ, tình yêu với cổ phục cũng như những nỗ lực thổi luồng sinh khí mới cho cổ phục Việt mới được đề cập đến. Nhiều năm qua, trào lưu phục dựng, thúc đẩy văn hóa mặc trang phục cổ đã được phổ biến ở nhiều vùng, miền trên cả nước, trong đó Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa. Có thể kể đến các nhóm bạn trẻ, thuộc các dự án: Đại Việt cổ phong với các chương trình áo dài thời Nguyễn, Việt Nam cổ phục, giao lĩnh thời Lê…; Ỷ Vân Hiên nghiên cứu, phỏng dựng cổ phục cho nhiều sản phẩm âm nhạc, sân khấu, điện ảnh…; V’style - Việt cổ phục cách tân, cung cấp trang phục cổ truyền cho các sự kiện, chương trình có nhu cầu; đình làng Việt với nhiều hoạt động trình diễn, trao tặng áo dài truyền thống…
Dù cách thức thực hiện khác nhau, song điểm chung của các nhóm đều là nỗ lực mang những giá trị xưa cũ đến gần hơn với cộng đồng, nhất là giới trẻ. Ngoài các hoạt động riêng lẻ, các nhóm cũng liên kết cùng nhau để tổ chức ra nhiều chương trình ấn tượng, mà “Bách hoa bộ hành 2022” là một ví dụ. Từ những nỗ lực này, ngày càng có nhiều người quan tâm tìm hiểu và dành niềm yêu thích cho trang phục cổ truyền thông qua việc sử dụng cổ phục vào các dịp lễ, Tết, cưới hỏi, chụp ảnh kỷ yếu hay lưu giữ kỷ niệm tại các di tích, danh lam thắng cảnh. Thông qua các hoạt động này, trang phục truyền thống từ nhiều triều đại, của nhiều giai cấp trong xã hội xưa được người sử dụng thích thú tìm hiểu, ghi nhớ, trở thành một cách học lịch sử hấp dẫn và bổ ích.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quang Đức, trào lưu phục cổ là xu hướng chung không chỉ ở nước ta. Sau khi trải qua những cơn sang chấn từ các luồng văn hóa ngoại lai, người ta có nhu cầu đi sâu tìm hiểu nguyên nhân và định vị lại cái nào là bản sắc, cái nào là du nhập. Điều quan trọng ở đây là làm sao để việc ứng dụng cổ phục trong đời sống hiện đại không chỉ dừng lại là một trào lưu, mà được lan tỏa một cách sâu rộng, thường xuyên hơn.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ cho rằng, sự trở lại của cổ phục là minh chứng rõ nhất về tình yêu và sự trân trọng dành cho tinh hoa văn hóa dân tộc. Những hoạt động này cần có sự động viên, góp ý, giúp đỡ về chuyên môn, định hướng về tổ chức để ngày càng có quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn cũng như tạo nên dự án tiềm năng để thu hút đầu tư, thay vì tự đóng góp, kêu gọi ủng hộ của cộng đồng, từ đó mở rộng thêm vòng tay lưu giữ, bảo tồn, mang đến sức sống mới cho cổ phục Việt.
Nguồn hanoimoi