Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong (15.7.1950 - 15.7.2024):

“Ta đốt lửa trong tim, làm người lính đi đầu” 

Cập nhật ngày: 15/07/2024 - 07:43

BTN - Trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch lấy tên là Đội Thanh niên xung phong công tác.

Cách đây 74 năm, ngày 15.7.1950, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch lấy tên là Đội Thanh niên xung phong công tác.

Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam đầu tiên tại núi Hồng, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Đầu tháng 9.1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên giới đã lập công xuất sắc được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương vì “đã nêu cao tính tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ”.

Các cán bộ, hội viên Cựu TNXP Tây Ninh nhận kỷ niệm chương Cựu TNXP do Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam trao tặng lần đầu tiên ngày 15.7.2024. Trong đó có 4 cựu TNXP giúp đỡ đồng đội trên 100 triệu đồng/năm được UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2023.

Lớn lên trong khói lửa chiến tranh

Từ kết quả xây dựng tổ chức Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên, chỉ trong một thời gian ngắn ở các địa phương từ khu 5 trở ra đã tổ chức các Đội TNXP công tác ở khu, tỉnh, thành, huyện, xã phục vụ công tác kháng chiến ở địa phương, riêng các tỉnh Nam bộ còn tổ chức Đội TNXP ở cấp xã làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và công tác đột xuất ở địa phương theo yêu cầu và có thời hạn.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã bước vào giai đoạn quyết liệt. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trên 16.000 cán bộ đội viên TNXP thuộc Đoàn TNXP Trung ương, là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, bảo đảm giao thông thông suốt ở các “toạ độ lửa”.

Cùng với bộ đội, dân công hoả tuyến, đồng bào Tây Bắc, lực lượng TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ xứng đáng với phần thưởng cao quý được Đảng và Nhà nước phong tặng- danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND).

Năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, đưa chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Đoàn, hàng chục vạn thanh niên từ phong trào “3 sẵn sàng” hăng hái tham gia các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải các tuyến đường huyết mạch, địch thường xuyên đánh phá ác liệt. “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trên 200.000 TNXP nêu cao tinh thần yêu nước, họ đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thanh niên Tây Ninh với mảnh đất Tây Nam

Tại Tây Ninh, nơi Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam ra đời, đơn vị TNXP C2311 Hoàng Lê Kha - Tây Ninh được thành lập và tham gia công tác, phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu trong hàng ngũ Tổng đội. Quá trình hoạt động với những thành tích vẻ vang trong kháng chiến chống Mỹ, C2311 Hoàng Lê Kha - Tây Ninh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, trong đó có 2 liệt sĩ Trịnh Huy Hoàng và Võ Thị Rậm được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, thế hệ TNXP thứ ba lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc (1975-1979). Tiếp đến là thế hệ TNXP thứ tư (từ năm 1980 về sau) nối bước lên đường xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Một số địa phương đã thành lập các đội TNXP tập hợp trong xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng các vùng kinh tế mới, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng phục vụ chiến tranh và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Ngày 25.9.1977, Tổng đội TNXP Tây Ninh được thành lập, từ tiền thân là 2 đại đội dân công hoả tuyến, phát triển lên thành 4 liên đội TNXP với trên 4.000 đội viên, có mặt trên các tuyến biên giới phục vụ cho bộ đội, làm nhiệm vụ tiếp đạn, tải thương, vận chuyển lương thực… cứu giúp đồng bào các xã biên giới bị địch thảm sát, tìm kiếm, quy tập thi hài đồng bào bị giết hại để an táng, xả thân vì đồng bào, đồng đội đã lập nhiều thành tích xuất sắc, được UBND tỉnh tuyên dương, khen thưởng. Song song với tổng đội TNXP của tỉnh phục vụ biên giới Tây Nam, các huyện, thị cũng thành lập các liên đội, đại đội TNXP để bổ sung lực lượng cho tổng đội khi cần thiết, đồng thời, các liên đội TNXP xây dựng quê hương, làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, sản xuất, làm thuỷ lợi góp phần khắc phục hậu quả hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. 74 năm qua, lực lượng TNXP Việt Nam liên tục phát triển, cống hiến và trưởng thành, đã xây dựng nên những truyền thống cách mạng vẻ vang.

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của hàng chục vạn cựu TNXP trong cả nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với cựu TNXP, được Chính phủ cho phép, ngày 19.12.2004, Hội Cựu TNXP Việt Nam được thành lập. Cùng với các tỉnh, thành trong nước, Ban Liên lạc cựu TNXP tỉnh Tây Ninh được lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chấp thuận cho tổ chức đại hội thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh vào ngày 26.4.2006. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lực lượng TNXP, là mốc son trong lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP Việt Nam.

Hơn 18 năm qua, Hội Cựu TNXP Tây Ninh đã tập hợp kết nạp hơn 2.250 cựu TNXP tham gia vào tổ chức Hội. Các đơn vị Tổng đội TNXP Tây Ninh, liên đội TNXP các huyện đã được công nhận phiên hiệu TNXP, hơn 2.000 cựu TNXP được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng kỷ niệm chương. Hơn 1.500 cựu TNXP các thời kỳ được hưởng chế độ trợ cấp một lần và BHYT theo quy định. Tây Ninh cơ bản đã giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách đối với hầu hết cựu TNXP cư ngụ trên địa bàn tỉnh mà không để xảy ra một trường hợp sai sót nào.

Bài viết về Tổng đội TNXP Tây Ninh nhận cờ Tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc của Trung ương Đoàn trao tặng đăng trên Báo Tây Ninh ra ngày 25. 9.1978

Đôi lời

Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (15.7.2024), có một điều không thể không đề cập nhưng hình như ít được nhắc đến: Hiện cả nước có trên 500.000 cựu TNXP đang sinh sống ở các địa phương, trong đó hàng ngàn cựu TNXP sống cô đơn, không nơi nương tựa. Trong số đó, có rất nhiều nữ TNXP trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, các chị trở thành những cô gái lỡ thì không thể lập gia đình.

Có trường hợp có gia đình nhưng do ảnh hưởng của bom đạn và cả tuổi tác, họ không thể làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ. Mất mát, thiệt thòi này không gì bù đắp được. Những mất mát (và cả sự hy sinh theo nghĩa đen) đã trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu cho nghệ thuật.

Có thể kể đến những tác phẩm nghệ thuật về đề tài thanh niên xung phong: Mười đoá phong lan, Khoảng trời con gái (kịch nói), Ngã ba Đồng Lộc (điện ảnh), Những ngôi sao xa xôi (văn học).

Ngoài vở kịch Mười đoá phong lan (nổi tiếng trong thập niên 90 của thế kỷ XX), vở kịch Khoảng trời con gái (công diễn năm 2018) tái hiện ước mơ của các cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc, về khát vọng hoà bình cho đất nước của những người con đất Việt. “Khoảng trời con gái” là những khoảng trời không bao giờ đóng bởi ước mơ của các cô đã được viết tiếp bởi các thế hệ tương lai của đất nước.

Hố bom là nơi các cô đã soi khoảng trời mơ ước của mình, cũng là nơi các cô đã anh dũng ngã xuống để bảo đảm sự thông suốt của tuyến đường huyết mạch. Do vậy, khoảng trời con gái ở đây muốn nhấn mạnh đến sự bất tử của các cô gái TNXP. Họ đã ngã xuống nhưng Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên họ.

Nguyễn Tấn Hùng - Đồng Viết Thắng